Trao quyền phòng chống dịch cho doanh nghiệp, tổ chức
Các doanh nghiệp thực hiện sản xuất “3 tại chỗ, 1 cung đường, 2 điểm đến” đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đơn cử theo ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí điện TP.HCM thì việc sản xuất “3 tại chỗ và 1 cung đường, 2 điểm đến”, dù doanh nghiệp cố gắng cũng chỉ có thể duy trì tối đa được khoảng 1 tháng bởi vì công nhân ở lâu trong nhà máy không chịu được.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia “3 tại chỗ và 1 cung đường, 2 điểm đến” đang tốn rất nhiều chi phí để chuẩn bị và duy trì sản xuất nên đề nghị nhà nước có cơ chế hỗ trợ một phần.
Ông Duy cũng đề nghị nhà nước xây dựng chương trình để cùng doanh nghiệp chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân đang tham gia thực hiện “3 tại chỗ và 1 cung đường, 2 điểm đến”. Bởi vì hiện nay có nhiều cách tiếp cận thông tin nhưng đa phần là những thông tin bên ngoài không được kiểm chứng làm cho công nhân đang ở trong nhà máy hoang mang.
Hiện nhà nước đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, bộ xét nghiệm và cơ sở, cơ chế xét nghiệm rộng rãi hơn, nền tảng công nghệ cũng tốt hơn, đặc biệt là cơ chế mới về nhìn nhận các đối tượng F1, F2 cũng đã khác.
Vì vậy, nhà nước cũng nên có cơ chế trao quyền phòng chống dịch cho doanh nghiệp, tổ chức để tối ưu hóa công tác chống dịch và để doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch hoạt động, sản xuất.
Bên cạnh đó, ông Duy mong muốn các chỉ thị của nhà nước nên ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực với cuộc sống để doanh nghiệp đáng ứng kịp thời. Nếu thời gian tới tình hình dịch bệnh còn phức tạp, buộc phải “3 tại chỗ và 1 cung đường, 2 điểm đến” lâu dài hơn thì cần phải cải tiến tiêu chí theo hướng căn cứ vào thực trạng từng doanh nghiệp hoặc theo địa phương.
Hệ sinh thái của các doanh nghiệp về thương mại dịch vụ, cụ thể ở đây là những cửa hàng bán sản phẩm cũng nên cho hoạt động theo hình thức nào đó để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Đối với những công nhân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì cho phép đi về và doanh nghiệp sẽ đảm bảo cung đường này an toàn, có quy trình kiểm soát.
Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế để cho doanh nghiệp thay đổi người lao động bằng quy trình nghiêm ngặt. Thực tế trong quá trình hoạt động có những sự cố khiến người lao động muốn về nhưng cơ chế như hiện nay lại rất khó khăn để giải quyết những trường hợp này.
Bởi vì có những địa phương đã ban hành văn bản sẽ hình sự hóa nếu doanh nghiệp cho người lao động rời khỏi công ty. Tuy nhiên trong trường hợp người lao động đã quyết tâm thì doanh nghiệp cũng không thể ép buộc được, mà nếu giữ họ ở lại thì năng xuất làm việc cũng không cao.
Vá lỗ hổng logistics
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, đại dịch đã làm cho ngành logistics bộc lộ những yếu kém. Khi thành phố hạn chế việc di chuyển ngoài đường thì mới thấy cả xã hội phụ thuộc vào đội ngũ giao nhận hàng. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa cũng do sự yếu kém của ngành logistics.
Nhìn rộng hơn ra thì TP.HCM đang thiếu hệ thống kho lạnh, kho mát dự trữ hàng hóa thiết yếu và một nền tảng giao dịch hàng hóa trực tuyến để cung cấp, điều tiết thị trường khi cần.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực, thực phẩm TP.HCM cho biết, tất cả nguồn nguyên vật liệu của ngành là vận chuyển từ các tỉnh về. Vừa rồi TP.HCM và các tỉnh thành lân cận xảy ra tình trạng thiếu mì tôm, nguyên nhân chính cũng nằm ở khâu logistics.
Cánh đồng hành lá của Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ngay gần TP.HCM. Trước đây đến ngày thu hoạch thương lái tới mua nhưng vừa rồi dịch bệnh nên thương lái dừng mua vì bị kiểm tra nhiều, không đi được cho nên người dân thành phố phải mua hành giá cao.
Với các doanh nghiệp sản xuất mì tôm thì không thể hoàn thành, xuất xưởng sản phẩm vì thiếu hành.
Để khắc phục tình trạng này bên cạnh việc phát triển ngành logistics, bà Chi đề xuất Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có chỉ đạo để tăng tính liên kết, điều tiết vùng để tạo điều kiện thông thoáng trong việc tiêu thụ hàng hóa vừa giảm thiệt hại cho nông dân, giúp doanh nghiệp có nguyên liệu đầu vào và thị trường đầy đủ hàng hóa.
Có cơ chế để doanh nghiệp đưa người lao động về quê
Với đặc thù là ngành sử dụng nhiều lao động, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội may, thêu, đan TP.HCM đề xuất có chính sách cho các doanh nghiệp chưa tổ chức “3 tại chỗ và 1 cung đường, 2 điểm đến” được hưởng chế độ lương hoãn và ngừng hợp đồng.
Còn những trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động “3 tại chỗ và 1 cung đường, 2 điểm đến” thì đề xuất thành phố hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng/người/tháng để công nhân trang trải cho những người phụ thuộc ở nhà không đi làm được. Bởi vì thu nhập của ngành may, thêu, đan đã thấp nay lại thực hiện “3 tại chỗ”, năng xuất không cao nên thu nhập người lao động càng thấp.
Ngoài ra, ông Việt cũng cho rằng thành phố cần xây dựng quy trình xử lý F0, bởi vì hiện nay các doanh nghiệp đang hoạt động “3 tại chỗ và 1 cung đường, 2 điểm đến” dù đã thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt các quy trình nhưng vẫn xuất hiện F0 trong nhà máy.
Khi có F0 các doanh nghiệp đều xử lý lúng túng nên cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Đồng thời xây dựng lại bộ tiêu chí “3 tại chỗ và 1 cung đường, 2 điểm đến” để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Thời gian gần đây các tỉnh chủ động đón người dân về quê và bố trí việc làm, điều này khiến những công nhân đang tham gia thực hiện “3 tại chỗ” bị xao động. Về lâu dài thì các doanh nghiệp ngành may, thêu, đan lại đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động khi dịch được kiểm soát.
Vì vậy ông Việt đề xuất thành phố nên có cơ chế để doanh nghiệp đưa người lao động ngoại tỉnh về quê và duy trì liên lạc đến khi có nhu cầu thì gọi họ lên làm việc lại.
Kiến nghị với ngân hàng nhà nước cho giãn nợ
Một trong những kiến nghị quan trọng nhất và được coi là mạch máu để các doanh nghiệp sống, duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn đó là việc ngân hàng giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ.
Theo bà Lý Kim Chi, vừa qua ngân hàng lúc nào cũng nói câu rất đẹp, dễ nghe “sẽ miễn giảm, sẽ khoanh nợ cho doanh nghiệp…” nhưng suốt mùa dịch vừa rồi các doanh nghiệp thuộc Hội lương thực, thực phẩm chỉ được giảm lãi suất chứ không doanh nghiệp nào được khoanh nợ.
Cho nên hội này kiến nghị thành phố nên kiến nghị trực tiếp với ngân hàng nhà nước cho phép các doanh nghiệp giãn nợ. Tức là tới thời hạn trả nợ, các đơn vị sản xuất kinh doanh được giãn từ 4 đến 6 tháng không phải trả mà chỉ trả lãi vay.
“Các doanh nghiệp ở vùng dịch được hưởng chính sách này chứ không phải làm thêm thủ tục gì. Bởi vì vừa rồi các doanh nghiệp muốn được hưởng chính sách này phải nộp từng chứng từ chứng minh mình bị ảnh hưởng dịch nên doanh nghiệp không đáp ứng được và không doanh nghiệp nào được hưởng”, bà Chi nêu.
Bà Chi cũng kiến nghị về phía TP.HCM nên có tổ công tác lắng nghe và xử lý tức khắc những khó khăn để doanh nghiệp hoạt động. Thời gian qua chính quyền thành phố làm công tác an dân rất tốt nhưng giới doanh nghiệp cũng cần được an lòng để hoạt động.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hòa thì cơ quan thuế cũng nên cân nhắc và có cơ chế giãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp.
Bởi vì theo quy định của thuế, hiện nay đã tới thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 2 và các khoản khác. Nếu không giãn sẽ tạo áp lực lớn lên dòng tiền của doanh nghiệp, nếu có doanh nghiệp chậm trễ trong việc nộp thuế cũng không phạt để hỗ trợ.
Hứa Phương
Trích nguồn - The LEADER - 3/8/2021