Đó là thông tin được đưa ra tại buổi toạ đàm “Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì” do Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM tổ chức chiều 8/10.
Quy định “trên trời rơi xuống”
Những ngày gần đây, các DN nhập khẩu lúa mì và sản xuất bột mì như “ngồi trên đống lửa” sau khi nhận được Công văn của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I về việc tái xuất các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium arvense (tên tiếng Việt là ké đồng).
Theo đó, Công văn của Chi cục Kiểm dịch thực vật do Chi cục trưởng Nguyễn Trung Hà ký ngày 5/9/2018 nêu rõ: “Thực hiện chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật, bắt đầu tư ngày 1/1/2018 các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium arvense sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý là tái xuất. Đồng thời Cục Bảo vệ thực vật báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu các loại vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium arvense”.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM nhấn mạnh, quy định nói trên sẽ gây thiệt hại rất khủng khiếp cho không chỉ riêng các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì và sản xuất bột mì mà là toàn bộ xã hội. Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là bột mì, từ bánh mì, bánh bao, kẹo, mì tôm, fastfood… đều sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định này.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu quy định như trên có cần thiết hay không? Theo các chuyên gia tại toạ đàm thì đây là điều không cần thiết.
TS. Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo doanh nhân APEC, đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp khẳng định loại cỏ Cirsium arvense hoàn toàn không có độc tố gây hại cho con người mà chỉ có đặc tính là cạnh tranh về dinh dưỡng đối với các loại cây trồng trên cánh đồng. Hiện chưa có báo cáo ghi nhận về sự sinh trưởng của loại cỏ này tại Việt Nam dù lúa mì đã được các doanh nghiệp nhập khẩu từ hàng chục năm nay để sản xuất bột mì.
Ông Phan Thanh Hiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bột mì Bình An cũng cho hay, lúa mì có nhiễm cỏ dại không phải là vấn đề mới. Thời gian qua, nhiều lô hàng của công ty nhập khẩu về có phát hiện loại cỏ này và vẫn được đưa vào sản xuất nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, lúa mì được đưa qua máy móc để loại bỏ tạp chất (trong đó có cỏ dại) trước khi đưa vào sản xuất bột mì. Đối với số tạp chất được lọc ra, công ty sẽ mời đại diện chi cục kiểm dịch thực vật tới để tiến hành tiêu huỷ và quy trình này đang được áp dụng rất tốt.
Về ý kiến cho rằng các doanh nghiệp có thể tìm nguồn cung cấp thay thế cho nguồn lúa mì có nhiễm cỏ dại, các doanh nghiệp đều cho rằng điều này là không thể. Bởi việc trồng lúa mì tại Việt Nam cho hiệu quả không cao, trong khi mỗi vùng đất có một đặc trưng khác nhau nên lúa mì của mỗi nơi cũng có đặc tính khác nhau. Ông Lê Văn Vu, Phó Tổng giám đốc Công ty bột mì Bình Đông cho biết, tại Bình Đông có những sản phẩm bắt buộc phải dùng lúa mì của Mỹ mà không thay thế được lúa của nơi khác.
Hơn nữa, theo ý kiến của các doanh nghiệp, việc ký hợp đồng cung cấp phải qua thời gian dài đàm phán, do đó không thể ngay lập tức có nguồn thay thế, trong khi thời hạn ngày 1/11 thì đã rất cận kề.
Trong khi đó, ông Trần Duy Khanh dẫn chứng tài liệu của Cục Bảo vệ thực vật gửi Bộ NN&PTNT, trong đó liệt kê danh sách khoảng hơn chục nước có ghi nhận có loại cỏ dại Cirsium arvense. Như vậy, hầu như những nước có sản xuất lúa mì đều có sự xuất hiện của cỏ Cirsium arvense. Do đó, doanh nghiệp gần như sẽ phải “bó tay” trong việc tìm mua lúa mì không bị nhiễm cỏ dại Cirsium arvense.
Thiệt hại khủng khiếp
“Theo nguyên tắc thị trường, nơi nào rẻ và chất lượng tốt thì mình mua. Nhưng với quy định này, doanh nghiệp có thể sẽ phải mua hàng vừa đắt mà chất lượng lại không bằng” – bà Chi nhận định.
Bà Kao Huy Phương, Phó Tổng giám đốc ABC Bakery cho hay, trung bình mỗi ngày ABC Bakery sử dụng khoảng 13 tấn bột mì, cao điểm có thể lên tới 20 tấn. Lâu nay công ty vẫn sử dụng bột mì của nhà cung cấp trong nước. Tuy nhiên, theo bà Phương, nếu các nhà máy bột mì không nhập được lúa mì do quy định về cỏ dại, rất có thể công ty sẽ phải nhập khẩu bột mì xay sẵn từ nước ngoài với giá cao và đội thêm chi phí. Những khoản phát sinh này đều sẽ bị tính vào giá thành và người tiêu dùng chính là người chịu thiệt.
Bà Huỳnh Kim Chi lo lắng về lô hàng hơn 200 tỷ đồng đang trên đường nhập khẩu về. Ảnh: N.Hiền |
Bà Phương cũng thông tin thêm, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu trên 200.000 tấn bột mì đi các thị trường như Thái Lan… Việc không nhập được lúa mì cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có bột mì để xuất khẩu.
Đại diện Công ty Việt Quang cũng cho biết thêm, mỗi chuyến tàu nhập khẩu lúa mì có trọng lượng từ 30-50 ngàn tấn, trị giá khoảng 20 triệu USD (tương đương gần 500 tỷ đồng). Nếu buộc phải tái xuất, thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Các ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể thay thế bằng nguyên liệu ngô, sắn, nhưng riêng ngành bột mì làm thực phẩm thì không thể thay thế được.
Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty bột mì quốc tế cũng cho biết, hiện công ty đang nhập khẩu 1 tàu lúa mì trị giá trên 200 tỷ đồng và hàng đang trên đường về Việt Nam. Nếu buộc phải tái xuất, thiệt hại không chỉ nằm ở con số 200 tỷ nói trên mà còn là đời sống cho hơn 500 công nhân khi nhà máy phải ngưng hoạt động do không có nguyên liệu, thị trường không có hàng hoá tiêu dùng…
Ông Phạm Văn Bình, đại diện Công ty Tân Long cũng chia sẻ thêm, trong các hợp đồng cung cấp hàng hoá không có điều khoản về tỷ lệ hạt cỏ có trong lúa mì. Do đó, đơn phương chấm dứt hợp đồng doanh nghiệp còn có thể phải chịu một khoản tiền phạt hợp đồng…
Trong khi đó, ông Phan Thông Cường, đại diện Công ty kỹ nghệ bột mì cho biết, công ty đã liên hệ với các nhà cung cấp để yêu cầu họ xử lý tách hạt cỏ ra khỏi lúa mì trước khi xuất khẩu đi Việt Nam. Song các nhà cung cấp đều từ chối vì quy trình thu hoạch đều theo phương thức công nghiệp, việc đầu tư máy móc cho quy trình nêu trên cũng gây tốn kém không nhỏ…
Từ ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp tại toạ đàm, bà Lý Kim Chi cho biết, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM sẽ có văn bản gửi Bộ NN&PTNT tranh luận về các căn cứ của việc ban hành quy định nêu trên của Cục Bảo vệ thực vật; hệ luỵ đối với doanh nghiệp và xã hội. Đồng thời kiến nghị huỷ bỏ quy định nêu trên. Sau đó, nếu Bộ NN&PTNT không trả lời, Hội sẽ tiếp tục kiến nghị lên Thủ tướng để có thể tháo gỡ được vướng mắc này trước ngày 1/11.
Nghi ngờ tính hợp pháp của văn bản Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM, cũng cho biết, qua rà soát hệ thống văn bản pháp luật của Ban an toàn thực phẩm, đến nay bà cũng không thể tìm ra “tung tích” của văn bản kể trên của Cục Bảo vệ thực vật. Trong khi đó, chỉ Bộ NN&PTNT mới có thẩm quyền đưa ra các quy định như trên. Thẩm quyền của Cục chỉ có thể đưa ra các quy định tạm thời và chỉ trong những trường hợp khẩn cấp. Cũng theo bà Lan, trước khi đưa ra quy định, cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp hành lấy ý kiến trong cộng đồng và việc áp dụng cũng phải có lộ trình để doanh nghiệp có thể có phương án thay thế. |