Lý giải thực tế trên, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, các DN ngành lương thực thực phẩm đã chủ động chuyển đổi hoạt động kinh doanh sản xuất. Các DN gia tăng phủ kín hàng hóa trên các kênh phân phối truyền thống kết hợp thực hiện chính sách bình ổn giá. Điều này không chỉ bù đắp nguồn cung thiếu hụt trên thị trường do gián đoạn chuỗi cung ứng từ hàng nhập khẩu mà còn tạo sự an tâm trong người tiêu dùng, góp phần kích thích sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Quan trọng hơn, bù đắp những thiếu hụt doanh thu do gián đoạn đơn hàng xuất khẩu.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, từ đầu đợt dịch, lượng tiêu thụ đồ hộp của công ty tăng gần 100%, xúc xích tiệt trùng tăng 15%-20%, hàng đông lạnh tăng trên 20%. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, công ty phải tổ chức cho công nhân làm 3 ca. Lượng hàng dự trữ lưu trong kho đảm bảo sẵn sàng đáp ứng khoảng 39% nhu cầu tiêu thụ của TPHCM và 61% nhu cầu cả nước. Điều đáng nói, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng các nhóm sản phẩm tăng, đặc biệt ở nhóm hàng hóa thiết yếu, các DN không những giữ nhịp cung ứng cho thị trường mà còn tham gia thực hiện bình ổn giá. Thực tế này đã ngăn chặn tình trạng trục lợi thị trường từ những đơn vị làm ăn không chân chính. Mặt khác, đã làm tăng uy tín thương hiệu hàng Việt trên thị trường trong và ngoài nước.
Tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp
Nhìn nhận thị trường trong năm 2021, nhiều DN cho rằng, tình trạng khó khăn vẫn duy trì, ít nhất đến hết tháng 6-2021. Để ứng phó với tình hình trên, các DN một mặt duy trì chiến lược mở rộng thị trường nội địa, mặt khác gia tăng khả năng xuất khẩu. Cũng theo bà Lý Kim Chi, hiện Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đến là Trung Quốc, châu Âu, ASEAN, Nhật Bản. Tại những thị trường này, Việt Nam đã ký các FTA và với hàng nông, thủy, hải sản, lương thực thực phẩm chế biến, chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật là đã có thể thuận lợi gia nhập thị trường. Còn nếu xét về giá thành thì hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi tuyệt đối mức 0%. Điều này cũng đồng nghĩa hàng Việt có năng lực cạnh tranh rất lớn tại các thị trường trên.
Ở chiều ngược lại, với thị trường trong nước, DN sẽ chịu áp lực do hàng ngoại nhập ồ ạt nhưng vấn đề cũng không phải quá lo ngại. Nghiên cứu mới nhất do Công ty Nghiên cứu thị trường Ocean Blue cho biết, có đến 76% người tiêu dùng trong nước tin cậy và ưu tiên sử dụng hàng Việt, bởi họ nắm bắt được nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu và chất lượng. Xu hướng này định hình rõ từ năm 2020 khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và hàng Việt vẫn đảm bảo nguồn cung ứng cũng như độ an toàn cho người sử dụng.
Vấn đề còn lại các cơ quan chức năng cần cần tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính tối đa nhất có thể để tạo hành lang thông thoáng cho DN phát triển. Song song đó, khởi động lại chương trình kết nối chuỗi giá trị giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các ngành khác nhau, liên kết tạo chuỗi sản xuất với các nhà phân phối và liên kết giữa các tỉnh thành nhằm hướng đến phát triển liên kết vùng hiệu quả. Mặt khác, cung cấp thêm dịch vụ điều tra nghiên cứu và thông tin về thị trường cho DN, tiến tới tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối để DN hướng sang các thị trường trọng điểm xuất khẩu hoặc đang có lợi thế xuất khẩu.
Nông sản, thực phẩm xuất sang Trung Quốc phải có 4 loại giấy tờ PHÚC VĂN |
ÁI VÂN
Trích nguồn Sài Gòn Giải Phòng - 22/1/2021