Nội dung công văn này nêu rõ: “thực hiện chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật, kể từ ngày 01/11/2018 các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (KDTV) bị nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense (L.) Scop sẽ bị xử lý theo hình thức tái xuất. Đặc biệt là công văn này cũng nêu rõ: Cục BVTV báo cáo Bộ NN&PTNT xem xét quyết định tạm ngưng nhập khẩu các loại vật thể bị nhiễm loại cỏ nói trên” điều này khiến nhiều DN nhập khẩu lúa mì hết sức lo lắng.
Các DN phát biểu ý kiến về việc đề nghị tái xuất lúa mì kể từ ngày 1/11/2018. |
Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2018, khối lượng và giá trị lúa mì nhập khẩu là 3,13 triệu tấn, tương đương 743 triệu USD, tăng 2,2% về khối lượng và tăng 16,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, những nguồn cung cấp lúa mì lớn, có giá trị tốt đều xuất xứ từ Canada, Mỹ, Nga, Úc, ...
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Phan Công Cường, đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ bột mì – Vikybomi, cho biết, việc cấm nhập khẩu ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của chúng tôi, hiện tại hàng tháng chúng tôi sử dụng đến 60.000 tấn lúa mì nhập khẩu. Nếu áp dụng quy định này chúng tôi sẽ không có nguồn nguyên liệu để sản xuất, dẫn tới nguy cơ phải ngưng hoạt động, giải thể công ty.
Theo ông Cường, hạt cỏ này hầu như không có gây hại gì cho con người cả; khi về nhà máy có khâu phân loại, hạt này sẽ bị loại bỏ. Loại cỏ này sống xem với cây lúa mì, tức là nó chung khí hậu thổ nhưỡng với lúa mì, trong khi đó khí hậu nhiệt đới Việt Nam hầu như không trồng được loại lúa mì nên có thể loại cỏ này không phát triển mạnh ở khí hậu, thổ nhưỡng ở Việt Nam. “Cần có thí nghiệm khoa học để biết loại hạt cỏ này có thể sinh sôi nảy nở được khí hậu Việt Nam hay không, trước khi đưa ra lệnh cấm”, ông Cường đề nghị.
Ông Lê Văn Vu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bột mì Bình Đông cho biết: “DN có những sản phẩm không thể thay thế được lúa mì. Vừa rồi, chúng tôi có đặt vấn đề mua hàng không có hạt cỏ, giá cao hơn nhưng cũng không được, họ trả lời chúng tôi chỉ có vậy, mua không mua thì thôi. Nói chung là rất khó khăn cho DN khi tìm sản phẩm thay thế. Làm thế này chúng ta thêm làm khó cho sự cạnh tranh sản phẩm tương tự với DN nước ngoài, chúng ta làm sao có thể cạnh tranh được với DN các nước không cấm?” Ông Vu lo lắng.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM, “Đại diện phía Cục Bảo vệ thực vật có khẳng định phải cấm nhập khẩu lúa mì chứa cỏ Cirsium Arvense (L.) Scop. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, việc quy định “cấm” thì rất đơn giản, nhưng phải làm sao để giảm thiểu tối đa nhất thiệt hại cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, cũng như người dân Việt Nam nói chung mới là vấn đề cốt lõi cần xử lý”.
Theo ông Phạm Văn Bình, đại diện Công ty Tân Long: Kết quả phân tích, tỷ lệ hạt cỏ này ít; chưa có thống kê khu vực nào, hay cánh đồng nào bị xâm lấn nghiêm trọng vì hạt này, mà chúng ta đã nhập mấy chục năm nay, nên khả năng xâm lấn của hạt cỏ này rõ ràng là chưa nghiêm trọng. Bao nhiêu triệu người dân cũng ảnh hưởng, bởi lúc cấm thì giá thành sản phẩm sẽ tăng lên, bởi họ phải mua sản phẩm giá cao hơn, hoặc mua sản phẩm khác bị đội giá cao hơn.
Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch HĐQT công ty Liên doanh bột Quốc tế cho biết, chúng tôi đang tiến hành nhập lô hàng trị giá 300 tỷ về nước. Quy định gấp như vậy nếu hàng về trễ hơn ngày quy định có hiệu lực một vài ngày thì sao? Đề nghị Nhà nước cần có điều chỉnh hợp lý để DN chúng tôi tồn tại.
Theo ông Phan Thanh Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần bột mì Bình An, nếu không cho nhập vì hạt cỏ dại thì cũng phải cho chúng tôi thời gian tìm kiếm nguồn hàng, cấm bất ngờ như thế này thì làm sao chúng tôi có thể xoay sở được, trong khi các DN đã ký hàng hóa với khách hàng rồi. Cục Bảo vệ Thực vật đưa ra lý do là nhiễm cỏ cho đất đai, mùa màng nhưng theo ông Hiếu là vấn đề này ít xảy ra và cũng chưa thấy báo cáo nghiên cứu nào về vấn đề này cả. “Nếu chưa khẳng định được cỏ đó, nên dừng ngay lại, để tìm hiểu, cùng với DN nghiên cứu thì lúc đó hãy đưa ra lệnh cấm cũng chưa muộn”- Ông Hiếu đề nghị.
Đại diện một DN khác cho biết, đối với DN mì thì lúa mì là cơ sở sống còn của DN, nên không cho nhập khẩu lúa mì thì không thể nào hoạt động được. Không những thế, nếu lệnh cấm đưa ra thì sẽ phải chịu phạt cọc rất lớn, vì trước khi đàm phán mua, các DN đã đặt cọc từ trước rồi. Làm cho DN rất khó khăn đi tìm nguồn hàng mới. Trong khi người dân không thể nào thay thế ngay sản phẩm khác được.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, trước khi có văn bản, cần phải nghiên cứu cho kỹ lưỡng sau đó mới có văn bản mang tính pháp lý để áp đặt; chưa rõ mà đưa ra thì rất thiệt hại cho doanh nghiệp, trong khi hàng chục năm nay chúng ta đều nhập lúa mì mà không có chuyện gì xảy ra. Do vậy, đề nghị Cục Bảo vệ thực vật nên ngừng ngay lập tức văn bản này. Hiện giờ ngày 1/11 là rất gần, DN không thể xoay sở kịp. Đây là rào cản, vướng mắc nếu không tháo gỡ thì DN không thể nào chịu nổi.
Ông Lê Văn Vu, Phó Tổng Công ty Bột mì Bình Đông, cho rằng: Khi có thông tin này, chúng tôi rất lo lắng; tôi không đồng ý với cách làm không quản lý được thì cấm như hiện nay. Theo ông Vu, Luật pháp quy định thì DN phải chấp hành nhưng cũng cần phải có lộ trình, khuyến cáo, nghiên cứu chắc chắn.
ThS Nguyễn Hoàng Dũng, Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, Viện Nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị Doanh nghiệp đề nghị, cần hủy bỏ văn bản này, chứ không phải xin lùi, vì không có cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, không có cơ sở đánh giá về thiệt hại kinh tế, trong khi đó, nếu được áp dụng ai đền bù thiệt hại cho DN, cho người lao động, cho các nhà máy, cho người tiêu dùng…?
Trước đó, tại buổi Tọa đàm “Lúa mì và chuyện nhập khẩu của doanh nghiệp Việt” ngày 5/10, ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, từ đầu năm đến nay, trên lúa mì nhập khẩu, lượng lúa mì nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật là cỏ cirsium arvense rất lớn.
Hiện đã phát hiện hơn 1,2 triệu tấn lúa mì bị nhiễm trong tổng số gần 4 triệu tấn (chiếm trên 30%). Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, bởi loại cỏ này ngây hại cho cây trồng tại trên 40 quốc gia. Nhiều quốc gia xếp loai vào đối tượng rất gây hại nguy hiểm và là đối tượng cấm của nhiều nước như Australia, Hàn Quốc, Argentina, Brazil…
Một con sẻ thông châu Âu đang ăn hạt của Cirsium arvense (L.) Scop (ảnh internet) |
Cirsium Arvense (L.) Scop, tên tiếng Việt là cây Kế đồng là một loài thực vật thuộc chi Cirsium trong họ Cúc, Phân bố: một số nước Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và một số nơi khác. Là một loại cây thân thảo lâu năm có chiều cao 30–100 cm, tạo thành quần thể rộng lớn vô tính từ một hệ thống rễ ngầm và trồi lên rất nhiều rễ khỏi mặt đất vào mỗi mùa xuân, đạt 1-1,2 m cao (đôi khi cao hơn). Thân cây có màu xanh mịn và nhẵn, thân một phần nằm bò trên mặt đất vào mùa hè, nhưng có thể mọc đứng lên nếu được hỗ trợ bởi thực vật khác. Những chiếc lá gai, thùy, dài 15–20 cm và rộng 2–3 cm (nhỏ hơn ở phần trên của thân cây hoa). Cụm hoa có đường kính 10–22 mm, màu hồng tím, với tất cả các hoa con dạng tương tự (không có phân chia vào đĩa và hoa con phía ngoài). Những bông hoa thường cây có hoa đực và cái, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy, với một số loại cây hoa lưỡng tính. Hạt dài 4–5 mm, với một mào lông hỗ trợ trong việc phát tán nhờ gió. Cây cũng phán tán ngầm thông qua rễ ngầm. Các hạt Cirsium arvense là nguồn thức ăn quan trọng cho chim sẻ thông vàng châu Âu và sẻ thông thường và lá của nó là thức ăn của hơn 20 loài bướm và một số loài rệp vừng. Phương thức gây hại: Loài Cirsium arvense (L.) Scop là cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng do bộ rễ và căn hành rất phát triển, tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng cạnh tranh lấn chiếm lớn làm ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất cây trồng. Lá cây có nhiều gai sắc nhọn gây ảnh hưởng đến đồng cỏ chăn nuôi gia súc. Cây kế đồng cạnh tranh với rất nhiều loài cây trồng; những cây trồng quan trọng gồm: ngô, đậu Hà Lan, đậu tương, bông, lanh, kê, lúa miến, đại mạch, mạch ba góc, yến mạch, kiều mạch, lúa mạch đen, lúa mỳ, đậu, khoai tây, cà rốt... |