Thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) ngành lương thực, thực phẩm đã lên kế hoạch sản xuất hàng tết. Tuy nhiên, đồng USD tăng giá mạnh và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các ngân hàng trong nước cũng điều chỉnh tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn, kéo theo giá cả hàng hóa trong dịp tết có thể tăng lên.
Trong bối cảnh trên, các DN xoay xở ra sao? Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, về vấn đề này.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM.
Khi đồng USD liên tục tăng
. Phóng viên: Gần đây, đồng USD tăng giá mạnh, lên mức cao nhất trong 20 năm ảnh hưởng ra sao đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, thưa bà?
+ Bà Lý Kim Chi: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã điều chỉnh biên độ tỉ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và USD tăng từ 3% lên 5%. Ngay sau động thái trên, cộng với việc việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất đã khiến giá USD tăng mạnh.
Khi USD tăng giá, nhiều công ty được lợi nhưng ngược lại nhiều công ty khác lại chịu thiệt hại không nhỏ. Đơn cử một số công ty xuất khẩu gạo phấn khởi vì sau khi Ấn Độ thông báo tạm dừng xuất khẩu, giá gạo tăng cao. Nay nhờ tỉ giá tăng họ được hưởng lợi thêm lần nữa bởi các hợp đồng xuất khẩu thường được ký thanh toán bằng USD. Vì vậy, chỉ riêng từ phần chênh tỉ giá, nguồn thu của các công ty ngành này đã tăng thêm khoảng 6%-7%.
Tuy nhiên, khi giá USD tăng liên tiếp khiến nhiều công ty trong ngành lương thực, thực phẩm phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc phục vụ sản xuất, kinh doanh gặp áp lực lớn vì chi phí nhập khẩu, phí vận tải bị đội lên, đặc biệt là khoản chênh lệch tỉ giá rất lớn. Điều này khiến nhiều công ty đối diện nguy cơ sụt giảm lợi nhuận và sức cạnh tranh của hàng hóa giảm.
Giá cả hàng hóa trên thị trường đang chịu áp lực trước việc đồng USD liên tục tăng giá. Ảnh: TÚ UYÊN |
. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về thách thức mà các nhà sản xuất, kinh doanh hàng tết đang đối mặt?
+ Xin dẫn chứng từ Công ty Sản xuất Bột Quốc tế (Intermix). Đơn vị này đa phần phải nhập nguyên liệu để sản xuất các loại bột, khi tỉ giá tăng cao, công ty tính toán giá thành sản xuất ra các loại bột tăng ít nhất 15%. Cần chú ý đây là đơn vị đầu mối cung cấp bột mì cho các công ty sản xuất bánh kẹo, mì gói… tại Việt Nam. Một khi nguyên liệu này tăng sẽ kéo theo chi phí sản xuất các mặt hàng thành phẩm tăng theo.
Đó là chưa kể khoản phát sinh từ lãi suất cho vay bằng USD của ngân hàng tăng từ 3,4%/năm lên 5,7%/năm. Ngoài ra, các nhà sản xuất, kinh doanh cũng phản ánh đang gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.
. Có thể thấy do tỉ giá, chi phí, nguyên liệu, lãi suất tăngnên giá hàng tết khó đứng yên, thưa bà?
+ Thời gian qua, áp lực này chưa quá lớn khi nhiều nhà sản xuất còn đang sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ trước đó. Nhưng hiện nay phải dự trữ gối đầu, buộc phải mua với tỉ giá cao, chi phí sản xuất tăng cao.
Vì vậy, một số nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tết sẽ bị ảnh hưởng như các sản phẩm từ sữa, bột mì, bánh kẹo, mì gói… phần lớn đều sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu. Dự kiến giá cả sẽ điều chỉnh tăng trong thời gian tới.
Doanh nghiệp xoay xở bằng nhiều cách
. Thưa bà,gần đây giá xăng dầu trong nước có xu hướng hạ nhiệt. Ngoài ra, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi tỉ giá. Đây liệu có phải là yếu tố giúp các nhà sản xuất bớt khó khăn?
+ Bên cạnh khó khăn, có một số yếu tố thuận lợi giúp các nhà sản xuất, kinh doanh triển khai kế hoạch sản xuất hàng tết. Ví dụ, giá heo hơi giảm đã tạo cơ hội cho các công ty sản xuất mặt hàng này tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào dễ thở hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm… là những yếu tố giữ ổn định giá trứng gia cầm trong thời gian tới.
. Theo bà, để giá cả hàng hóa tết không biến động lớn và vượt qua khó khăn hiện tại, các nhà sản xuất, kinh doanh cần làm gì?
+ Các nhà sản xuất, kinh doanh đang chủ động ứng phó, có nhiều nỗ lực để tối ưu hóa nguồn cung nguyên liệu trong nước cũng như lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu. Qua đó, giảm dần sự phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu cũng như phụ thuộc vào một vài thị trường nhập khẩu. Họ cũng đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi nhất, tránh phụ thuộc quá lớn vào đồng USD để giảm áp lực tỉ giá; lập quỹ dự phòng biến động tỉ giá, hạn chế việc vay bằng ngoại tệ khi không có đủ nguồn trả; chú trọng gia tăng sức cạnh tranh bằng việc nghiên cứu, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm.
. Bên cạnh sự nỗ lực của các DN, theo bà, Nhà nước cần có giải pháp gì để hỗ trợ DNvượt qua thách thức, nhất là trong bối cảnh tỉ giá, lãi suất cho vaycó xu hướng gia tăng?
+ Chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần triển khai sớm chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị quyết 11/2022; hỗ trợ tín dụng để các DN bổ sung vào nguồn vốn lưu động, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mùa tết. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cần thực hiện đồng bộ các chính sách khoanh nợ, gia hạn thời hạn trả nợ, cơ cấu nợ… để hỗ trợ các công ty hoạt động tốt hơn. Song song đó, Nhà nước cần tiếp tục chính sách miễn giảm, giãn thuế; đơn giản hóa các thủ còn gây khó cho DN.
. Xin cám ơn bà.
Dự báo sức mua mùa tết sẽ tăng 20%
Theo Sở Công Thương TP.HCM, ở thời điểm này, nhiều công ty đã bắt đầu kế hoạch kinh doanh cho mùa tết với lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho dịp này dự kiến đạt gần 40.000 tấn.
Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cũng dự báo sức mua hàng tết năm nay sẽ tăng trở lại mức trung bình hằng năm 15%-20%. Thời điểm này nhiều công ty sản xuất ngành lương thực, thực phẩm đã hoàn tất khâu chuẩn bị nguyên liệu, bắt tay vào thực hiện kế hoạch sản xuất, tăng sản lượng đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ tết.
Đặc biệt, hầu hết nhà sản xuất và hệ thống bán lẻ tham gia chương trình bình ổn thị trường đã gửi danh mục hàng hóa về Sở Công Thương TP.HCM với cam kết tăng cung, giữ ổn định giá, đảm bảo chất lượng; triển khai nhiều chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng.