Giá nhiều mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, đường, nước mắm… ở TPHCM đã đồng loạt tăng, nguyên nhân được các nhà sản xuất giải thích do chi phí đầu vào tăng từ 20 - 30%. Nhiều nhóm hàng đã thiết lập mặt bằng giá mới, với tình hình hiện tại, từ nay đến tết Nguyên đán, đà tăng giá sẽ còn tiếp tục…
Nhiều hàng hóa tăng giá
Tại các cửa hàng, siêu thị, giá các mặt hàng nước mắm, mắm ruốc, mắm tôm, mắm nêm… đều đồng loạt tăng giá 10%. Cụ thể: nước mắm Nhất Nông từ 25.000 đồng/chai lên gần 30.000 đồng/chai; mắm tôm Con cá vàng loại 200g giá từ 15.000 đồng lên 17.000 đồng/chai, loại 260g từ 17.000 đồng lên 19.000 đồng/chai… Tăng mạnh nhất là dầu ăn, hiện giá nhập vào của các siêu thị, cửa hàng tăng 11.000 đồng, (tương đương 30%) lên 43.500 đồng/lít, đẩy giá bán lẻ tăng lên 45.000 đồng/lít…
Anh Đinh Hiển - chủ đại lý 805 (Q. Gò Vấp) - cho biết, các nhà phân phối cho biết, giá các sản phẩm (SP) trên tăng do giá xăng dầu tăng, chi phí sản xuất, vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào, lương công nhân cũng tăng… nên nhà sản xuất tăng giá 10 - 20%, tùy mặt hàng.
Các mặt hàng hóa phẩm như bột giặt, dầu gội, dầu xả… cũng sắp lập mặt bằng giá mới. Đại diện các siêu thị cho biết các nhà cung cấp đã gửi thông báo đề nghị tăng giá nhóm hàng này với nguyên nhân tương tự như với các mặt hàng thiết yếu nói trên.
Giá thịt heo bán lẻ cũng đang ở mức cao dù giá heo hơi giảm. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn - cho biết: Hiện đã có khoảng 45% số lượng sạp thịt tại chợ hoạt động trở lại, lượng thịt heo về chợ những ngày cuối tuần tăng khá nhiều so với trong tuần. Cụ thể, ngày 21/11 tổng lượng heo về chợ hơn 5.300 con/đêm; giá heo hơi dao động từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, giảm khoảng 30 - 40% so với đầu năm.
Tại các chợ bán lẻ, giá thịt heo hiện vẫn đứng ở mức cao, thậm chí đang trên đà tăng. Tại một số chợ truyền thống, dân sinh sáng 21/11, giá sườn non, ba rọi, cốt lết từ 110.000 - 160.000 đồng/kg; giá xương, giò từ 80.000 - 90.000 đồng/kg… Tại các cửa hàng thịt, bách hoá, siêu thị mini… giá thịt ba rọi là 130.000 đồng/kg, sườn non 160.000 - 180.000 đồng/kg, nạc vai 115.000 đồng/kg.
Nhiều tiểu thương cho biết, sức mua những ngày gần đây khá chậm. “Giá thịt heo tại chợ lẻ cao hơn nhiều so với giá thịt tại chợ sỉ do thêm chi phí pha lóc, vận chuyển. Ngoài ra do số lượng thương nhân chợ đầu mối hoạt động trở lại chưa nhiều nên nguồn cung hạn chế dẫn đến giá thịt heo bán lẻ cao”, chị Vân - chủ một sạp thịt tại Q. Bình Thạnh - chia sẻ.
Doanh nghiệp chịu nhiều áp lực
Bà Ong Kim Ngân - Giám đốc Công ty TNHH Khai thác hải sản & Chế biến nước mắm Thanh Hà - cho biết, các doanh nghiệp (DN) đã chịu áp lực tăng giá từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc vào năm 2020. Lúc trước ít nhất mỗi quý tăng giá một lần, còn hiện nay là mỗi tháng tăng giá một lần. Như dầu ăn, từ tháng 10/2020 đến nay đã tăng giá từ 23.000 đồng/lít lên 46.000 đồng/lít. Giá đường cũng tăng gấp đôi, tương tự là giá bao bì hạt nhựa, bao bì giấy cũng tăng mỗi quý từ 15 - 20%. Từ năm 2020 đến nay, riêng giá nguyên liệu bao bì tổng cộng tăng đến 40 - 50%.
Nhiều người tiêu dùng phải tiết kiệm chi tiêu trước tình hình giá thực phẩm tăng cao |
Bên cạnh đó, giá cước vận tải tàu biển tăng rất mạnh. Một container 20 feet chở hàng khô từ Việt Nam đi châu Âu cước từ 1.200 - 1.300 USD nay lên 7.000 - 8.000 USD; cước container 40 feet trước đây khoảng 2.600 - 2.700 USD thì nay lên giá 15.000 USD. Chưa kể chi phí hoạt động của DN trong mùa dịch COVID-19 đã tăng đến 60 - 70% trong chín tháng đầu năm. “Do sức mua từ đầu năm 2020 đến nay rất yếu nên hầu hết các DN lớn đều ráng gồng, chưa tăng giá hoặc không dám tăng mạnh. Tuy nhiên do tình trạng này kéo dài buộc DN phải tăng giá để có thể tồn tại”, bà Ngân nói.
Ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) - cho biết, giá nguyên liệu đầu vào tăng từ quý II/2021 đến nay, trong đó, một số loại nguyên phụ liệu, gia vị tăng đến 20 - 25% trong khi nguồn cung thiếu hụt. Trước đây, Vissan chủ động được nguồn cung phụ liệu cũng như bao bì, có thể kế hoạch sản xuất hàng trước, dự trữ được nhiều tháng để đảm bảo nguồn cung, giá cả ổn định.
Tuy nhiên hiện nay các đơn vị cung ứng, đối tác không đảm bảo được nguồn hàng, chỉ có thể cam kết cung cấp qua từng quý, gây nhiều khó khăn cho DN. “Chúng tôi đang rà soát, tính toán lại mức giá các SP thực phẩm chế biến khi lên kệ. Vissan sẽ cố gắng hết mức có thể để giữ mức giá như trước đây cho người tiêu dùng”, ông Nguyễn Ngọc An nói.
Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt - cũng cho biết, hiện giá nguyên liệu vật tư tăng 20%, chi phí lương cho người lao động tăng… Tuy nhiên, công ty không tăng giá bán do sức mua thị trường quá yếu. Với nhóm hàng trứng gia cầm, thường thì có đến 40 - 50% lượng hàng được bán cho các DN chế biến thực phẩm nhưng hiện các DN này chưa thực sự ổn định sản xuất nên tiêu thụ ít. “Lúc này, DN chỉ có thể chấp nhận không có lợi nhuận để ổn định giá, thậm chí khuyến mãi để kích cầu. Chúng tôi đang phải gắng gồng chờ sức mua tăng mới có thể xem xét điều chỉnh giá bán. Hy vọng sang tháng 12/2021 thị trường sẽ hồi phục”, ông Trương Chí Thiện nói.
Tác động lớn nhất là từ giá xăng dầu
Đại diện một DN sản xuất nước mắm đang giữ ổn định giá bán (không muốn nêu tên) cho biết: Công ty đã chủ động nhập nguyên liệu cá về ủ chượp từ một năm trước, chủ động nhập chai thủy tinh và tự sản xuất chai nhựa nên việc giá nguyên phụ liệu tăng không tác động nhiều đến giá thành SP. DN cũng tiết kiệm chi phí vận chuyển bằng cách tối ưu hóa các chuyến xe chở hàng giao, khi quay đầu sẽ vận chuyển nguyên phụ liệu trở lại để giảm tác động của giá xăng dầu tăng. Theo vị này, những DN không dự trữ nguyên phụ liệu chắc chắn sẽ phải tăng giá SP vì chi phí đầu vào hiện đã tăng 20 - 30%.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - nguyên nhân chính tác động đến giá hàng hóa là giá xăng dầu tăng. Đây là chi phí đầu vào quan trọng của nhiều ngành như đánh bắt cá, vận tải, logistic… nên khi xăng dầu tăng giá sẽ tác động đến nền kinh tế một cách trực tiếp và cả gián tiếp. Việc tăng giá hàng hóa sẽ khiến cho quá trình phục hồi kinh tế chậm lại. Mặc dù Chính phủ đã cho mở cửa, xác định sống chung với dịch, nền kinh tế đang dần phục hồi nhưng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vẫn rất cao.
“Sức khỏe” của các DN cũng đang cạn kiệt do chi phí nguyên vật liệu tăng, chi phí sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn chống dịch cũng rất cao, trong khi đó thì sức mua còn yếu. Riêng người dân thì do bị mất, giảm thu nhập do dịch bệnh, đang thắt chặt chi tiêu. Việc hàng hóa tăng giá sẽ càng khiến sức mua thấp hơn, kéo giảm đà phục hồi của toàn nền kinh tế.
Theo ông Ngô Trí Long, trước mắt cần có giải pháp “hạ nhiệt” giá xăng dầu để giúp giảm giá thành SP. Do giá xăng dầu trong nước đang phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới nên Nhà nước cần điều chỉnh giảm một số loại thuế. “Hiện mỗi lít xăng dầu đang gánh bốn loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường từ 3.800 - 4.000 đồng/lít. Trong nghị quyết mới đây thì Quốc hội đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng cho các loại hàng hóa nhưng không thấy nhắc đến xăng dầu. Mặc dù nguồn thu ngân sách đang ảnh hưởng nặng nề nhưng cũng cần tính đến bài toán giảm một số loại thuế cho xăng dầu”, ông Ngô Trí Long nói.
Nhiều giải pháp để có thể bình ổn giá Hiện các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thực phẩm tươi sống tại các hệ thống siêu thị tương đối ổn định; riêng các mặt hàng dầu ăn, đường, xăng dầu, gas… tăng giá. Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng biến động giá trên thế giới, còn có phần do chi phí phòng, chống dịch của các DN, chi phí vận chuyển tăng… Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó giám đốc |
Thanh Hoa - Nguyễn Cẩm - Quốc Thái
Trích nguồn Phụ Nữ Online - 22/11/2021