Ngày 14-1, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) báo cáo kết quả hoạt động năm 2020 và kế hoạch năm 2021.
Đại diện FFA cho biết, kết thúc năm 2020 chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành lương thực thực phẩm (LTTP) và đồ uống giảm 0,7% so với năm 2019.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là ngành sản xuất đồ uống giảm sâu 5,7% khi chịu tác động kép dịch COVID-19 và Nghị định 100/2019.
Tuy nhiên, thị trường nước giải khát (trừ bia rượu) có tăng trưởng tốt. Từ khoảng giữa tháng 8- 2020, các DN đã chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất, quảng bá sản phẩm cũng như tình hình xuất khẩu các mặt hàng đồ uống vẫn duy trì ổn định tại các thị trường như Myanmar, Thái Lan, Nhật Bản.
Sản xuất há cảo. Ảnh: THUỲ TRANG
Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến thực phẩm tăng trưởng khả quan 2,2%, đặc biệt chỉ số tiêu thụ các sản phẩm chế biến thực phẩm đồ hộp, mì gói, các sản phẩm từ tinh bột tăng trưởng tốt 4,3%.
Theo đại diện FFA, trong bối cảnh dịch COVID-19, FFA đã thực hiện tốt vai trò cầu nối hiệu quả, phối hợp trực tiếp cùng chính quyền thành phố và các sở ngành giải quyết nhanh khó khăn, đảm bảo hỗ trợ tối đa để các DN tập trung duy trì sản xuất bình thường; sẵn sàng đảm bảo nguồn cung thiết yếu cho người dân.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA, năm 2021 có những thuận lợi khi chính quyền Thành phố xác định là năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư. Đây sẽ là những quyết sách quan trọng tạo sức bật hỗ trợ DN phát triển và cộng đồng DN thêm động lực đổi mới, tin tưởng vào sự đồng hành sát cánh của nhà nước.
Năm 2021, FFA đẩy mạnh triển khai các hoạt động phát triển hội viên; tiếp tục kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 09/2016 quy định về sử dụng bột mì trong chế biến thực phẩm theo hướng tháo gỡ triệt để khó khăn cho DN.
Để đạt được những mục tiêu thành phố đề ra trong năm 2021 cũng như hỗ trợ tối đa DN phục hồi sau dịch, FFA kiến nghị cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tối đa nhất có thể để tạo hành lang thông thoáng cho DN phát triển.
Đặc biệt, FFA đề xuất thành phố cho cơ chế chính sách hỗ trợ riêng gắn với Sở Công thương để thu hút đầu tư thực hiện hai đề án quan trọng, được xem như cú hích không chỉ cho sự phát triển của ngành LTTP mà cả ngành thuỷ sản trong thời gian tới. Đó là đề án Chương trình Phát triển DN và sản phẩm ngành chế biến thực phẩm Thành phố giai đoạn 2020-2030, Phát triển kho lạnh, kho dự trữ bảo quản và xây dựng vùng nguyên liệu hình thành chuỗi sản xuất của ngành.
Trên cơ sở đề xuất, nếu được thành phố thống nhất FFA sẽ triển khai ngay, nhất là thí điểm một hệ thống kho lạnh và vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành LTTP.
"TP.HCM là nơi tập trung số lượng lớn nhất cả nước các DN sản xuất chế biến LTTP, ở tất cả các loại hình quản lý với mức độ tập trung các mặt hàng sản phẩm đạt trên 70%. Giải quyết được khâu quan trọng này sẽ góp phần rất lớn cho việc hình thành chuỗi nguyên liệu lớn, ổn định phục vụ cho sản xuất kinh doanh nhất là xuất khẩu cho DN thành phố” - bà Chi nói.
Ngành chế biến LTTP hiện có 5.515 cơ sở sản xuất, trong đó có 2.422 DN đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM. Thực phẩm và đồ uống đang chiếm tỉ lệ cao nhất 35% trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng. |
( PLO.VN )