fas

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng đã có nhiều tình tiết chưa rõ ràng, thiếu tính hợp lý trong việc cấp giấy phép xuất khẩu cho 400 ngàn tấn gạo ngày 12/4 vừa qua, khi mà trước đó đã có khoảng gần 300 ngàn tấn gạo của các doanh nghiệp trong nước đã ký Hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài, được tập kết đầy đủ tại cảng chờ xuất nhưng lại không thể đăng ký được tờ khai hải quan. Điều này đồng nghĩa với việc không được phép xuất khẩu, kéo theo hàng loạt hệ lụy. 

- Thưa bà, xung quanh câu chuyện có đến gần 300 ngàn tấn gạo đã được ký hợp đồng xuất khẩu và tập kết tại cảng thì lại không thể đăng ký được tờ khai hải quan để xuất khẩu, bà có bình luận gì về việc này?

Tại thời điểm trước khi có dịch COVID-19 thì việc xuất khẩu gạo vẫn diễn ra bình thường. Rất nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo đã được các doanh nghiệp trong nước ký với đối tác nước ngoài cùng hàng trăm ngàn tấn gạo được tập kết tại các kho bãi, bến cảng để chờ lên tàu xuất khẩu. Tuy nhiên khi dịch COVID-19 diễn ra và theo lời kêu gọi của Chính phủ tạm dừng việc xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia thì tất cả các doanh nghiệp đã nghiêm chỉnh chấp hành việc dừng xuất khẩu.

Tại thời điểm ngày 12/4/2020 khi mà Chính phủ tiếp tục cho phép xuất khẩu gạo với hạn ngạch hạn chế thì đã có khoảng gần 300 ngàn tấn gạo của hàng chục doanh nghiệp đã có hợp đồng xuất khẩu gạo với đối tác nước ngoài trước đó được tập kết tại các bến cảng cũng như trên các xà lan trung chuyển chờ được lên tàu xuất khẩu.

Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp trong số đó lại không đăng ký được tờ khai hải quan nên không được xuất khẩu, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa ký hợp đồng, chưa chuẩn bị hàng lại đăng ký được và được cấp giấy phép xuất khẩu.

Không chỉ có vậy, trong số các doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo ngày 12/4 đã có nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ cung cấp gạo dữ trữ Quốc gia sau khi chính họ đã trúng thầu trước đó.

- Theo bà đâu là những điểm bất hợp lý trong việc mở tờ khai Hải quan để xin giấy phép xuất khẩu?.

Điều đầu tiên mà tôi muốn nói đến đó là thời điểm công bố duyệt cấp giấy phép xuất khẩu gạo từ 0h đến 6h sáng hôm sau, tức là từ nửa đêm đến sáng. Đây là thời điểm khá nhạy cảm cho việc ban hành các điều kiện sản xuất kinh doanh hạn chế, các chính sách mang tính quốc gia. Nếu các doanh nghiệp không có thông tin trước, không cử người chầu chực, theo dõi thì tôi e khó mà tham gia xin cấp phép được.

Tiếp đến là việc nhiều doanh nghiệp đã có hợp đồng ký kết với đối tác nước ngoài, đã có hàng đóng gói chờ sẵn tại các bến cảng, các xà lan trung chuyển để sẵn sàng xuất khẩu thì lại không đăng ký được tờ khai hải quan để xuất khẩu.

Điều bất hợp lý nữa là trong số 39 doanh nghiệp đăng ký được tờ khai hải quan xuất khẩu gạo ngày 12/4 thì trong đó có vài doanh nghiệp dù đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia trước đó nhưng đã chây ỳ và không chịu ký hợp đồng.

Nếu chúng ta cứ cấp phép kiểu này thì sẽ tạo ra sự hỗn loạn, doanh nghiệp có năng lực, có sẵn gạo sẽ không dám thu mua và chế biến xuất khẩu vì họ không thể biết khi nào mình sẽ được cấp phép. Doanh nghiệp không có năng lực, không sẵn hàng thì được cấp phép và nhiều khả năng không thực hiện được. Ngoài ra, việc bất bình đẳng trong xuất khẩu gạo cũng khiến nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi ích riêng mà quên đi quyền lợi quốc gia.

Một điều vô cùng nguy hiểm là nếu cứ cấp phép xuất khẩu gạo như hiện nay, nhiều đối tác nước ngoài sẽ hủy hợp đồng với các đối tác xuất khẩu trong nước. Như vậy, ngoài thiệt hại nặng nề khi phải bồi thường hợp đồng cho khách hàng, doanh nghiệp còn mất rất nhiều chi phí về sản xuất, quản lý, lưu kho bãi, tiền lương, lãi suất ngân hàng, chất lượng gạo bị ảnh hưởng.

Việc này nếu chúng ta không khẩn trương xử lý nhanh, dứt điểm hỗ trợ doanh nghiệp xuất được gạo sẽ đẩy rất nhiều doanh nghiệp vào thế đổ nợ, ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng đến cả vấn đề an sinh xã hội. 

- Để tạo sự công bằng, bình đẳng trong việc xuất khẩu gạo thì chúng ta nên làm gì, thưa bà?

Theo tôi, Bộ Công thương cần xem xét quy định về xuất khẩu gạo, thay vì phân bổ hạn ngạch cố định hằng tháng thì nên đấu giá hạn ngạch nhằm đảm bảo công bằng, quyền lợi cho các doanh nghiệp và đặc biệt là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. 

Để tham gia đấu giá hạn ngạch, các doanh nghiệp nhất thiết phải đảm bảo các tiêu chí là có lượng gạo dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng xuất khẩu của doanh nghiệp trong 6 tháng trước.

Trước mắt, với những doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai nhưng có dấu hiệu giữ chỗ, đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra các tờ khai chặt chẽ để phát hiện các trường hợp doanh nghiệp khai khống (về số lượng, số container, không có hàng hóa khi kiểm hóa) nhằm giữ hạn ngạch và áp dụng chế tài xử lý như hủy bỏ toàn bộ tờ khai của doanh nghiệp đó, mở cơ hội cho các doanh nghiệp khác đã ký hợp đồng, đã chuẩn bị sẵn gạo xuất khẩu.

Để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu trước thực tế hiện nay, chúng tôi đề xuất Chính phủ cho phép những doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài trước đó và có hàng sẵn tại kho bãi được ưu tiên xuất khẩu.                                                                               

Từ ngày 12-3, Tổng cục Dự trữ Quốc gia đã mở thầu cung cấp 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia cho năm 2020 nhưng đến nay mới chỉ mua được 7.700 tấn gạo, bằng 4% kế hoạch được giao. Khoảng 27 doanh nghiệp đã trúng thầu nhưng đến nay có hơn 20 đơn vị không ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp.

                                                                                       Tiến Dũng ( Enternews )