Ăn cùng, ngủ cùng công nhân và phải họp liên tục lúc nửa đêm để đưa ra các quyết định cân não... vẫn là trải nghiệm nhớ đời với nhiều doanh nhân.
Đầu tháng 6, Vinamit xuất hiện ca F0 đầu tiên, khởi đầu cho 4 tháng luôn trong tình trạng "căng như dây đàn". Trước đây, Tổng giám đốc Nguyễn Lâm Viên hay đi lại giữa TP HCM, Bình Dương, Kiên Giang và Lâm Đồng để điều phối công việc (có nhà máy ở Bình Dương, Kiên Giang, nông trang ở Lâm Đồng và trụ sở công ty ở TP HCM). Nhưng khi ở trong tình thế khẩn cấp, ông Viên phải ở lại hẳn TP HCM để tiện xử lý khủng hoảng.
Các tháng tiếp theo, những buổi họp của ông hầu như tập trung về Covid-19. Nội dung sản xuất, kinh doanh, nếu có cũng chỉ vài phút. "Nhiều cuộc họp chỉ tranh luận với nhau làm thế nào để mọi người không trở thành F1, F2", ông kể.
Diễn biến không ai lường trước được khiến Vinamit phải tìm cách ứng phó. Công ty bắt đầu hạn chế việc nhân viên tiếp khách hàng trực tiếp. Nhà máy tại Bình Dương và Kiên Giang tiến hành "3 tại chỗ".
Đó cũng là giai đoạn chứng kiến một trận sóng to, thử thách tài lèo lái doanh nghiệp của các "thuyền trưởng" khác. Thậm chí với những người đã hàng chục năm lăn lộn thương trường, bốn tháng qua vẫn là một trải nghiệm nhớ đời, phải vận dụng tối đa kinh nghiệm và sáng tạo trong quản trị khủng hoảng.
Từ trái sang, ông Nguyễn Anh Đức, ông Nguyễn Lâm Viên, bà Phạm Thị Huân, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng và ông Nguyễn Ngọc An. Ảnh các công ty cung cấp
Vật lộn trong nhà máy
Trong tháng 6, Vissan bắt đầu cải tạo nhà máy để đáp ứng mô hình "3 tại chỗ". Họ là doanh nghiệp tuyến đầu cung ứng thực phẩm cho TP HCM. Trước khi áp dụng, Vissan đã xét nghiệm PCR cho 1.500 nhân viên 4 lần. Sau 19 ngày xét nghiệm không ca dương tính, công ty bắt đầu có vài ca F0.
"Ngay lập tức tôi và hội đồng quản trị nhanh chóng đưa F0 đi cách ly", Tổng giám đốc Vissan Nguyễn Ngọc An nhớ lại đó là hôm 20/7. Nhiều khu cách ly tập trung của TP HCM đã hết chỗ nên công ty phải cách ly F1, F2 tại nhà máy. Ban lãnh đạo quyết định ở lại ăn, ngủ, nghỉ tại nhà máy với người lao động để cùng họ vượt qua khó khăn.
Bảy ngày liên tiếp, ban lãnh đạo làm việc và họp liên tục đến 0h, thậm chí 1h sáng. Tuy nhiên, đến 27/7, số ca lây nhiễm tăng nhanh lên tới 3 con số, Vissan quyết định cho lao động khoẻ mạnh về nhà để giải toả áp lực. Nhưng vì lo lắng trách nhiệm nguồn cung thực phẩm cho thành phố, 24h sau, công ty quyết định tập hợp lại công nhân để sản xuất, với khoảng 500 lao động
Nguồn hàng chế biến dự trữ trước đó cạn dần, ông An cho biết đã quyết định nâng công suất nhà máy chế biến phía Bắc, bắt đầu hoạt động 24/24 để chi viện cho miền Nam. Với mặt hàng tươi sống, ông bắt tay với khoảng 3-4 đối tác giết mổ của doanh nghiệp để cung ứng khoảng 70% nguồn hàng.
"Đó là thời điểm khó khăn nhất của chúng tôi từ trước đến nay. Quay lại sản xuất sau một ngày ngưng hoạt động là quyết định thức thời nhất trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến quá phức tạp", ông An nhìn lại.
Nhắc về giai đoạn "3 tại chỗ", bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Ba Huân cũng cho biết, hơn 50 năm làm nghề và 20 năm thực hiện các chương trình bình ổn giá, đợt dịch lần thứ 4 này khiến công ty bị ảnh hưởng nhiều nhất, kinh doanh 4 tháng đa phần thua lỗ.
"3 tại chỗ" đã khiến chi phí tăng trên 50%. Giữa tháng 7, đầu tháng 8, Ba Huân bán trứng dưới giá thành. Tháng 8, 9, giá thức ăn chăn nuôi leo thang, vận chuyển khó khăn khiến chi phí tăng đột biến.
Nhiều công ty khác buộc tăng giá trứng, nhưng Ba Huân chọn cách "lội ngược dòng", với hai lần từ chối tăng giá. "Nhiều mạnh thường quân đóng góp vài chục tỷ để hỗ trợ dân. Còn tôi, không có nhiều tiền như họ thì ủng hộ bằng việc không tăng giá trứng", bà Huân nói và cho rằng cố giữ giá trứng và việc làm mùa này đã là may mắn.
Công nhân nhà máy dệt may Thành Công sản xuất khi thực hiện phương án "3 tại chỗ". Ảnh: An Phương
Đau đầu kênh phân phối
Không chỉ có những lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất phải họp đến nửa đêm, các doanh nghiệp phân phối cũng đối diện nhiều thách thức. Gắn bó với Saigon Co.op 14 năm, Tổng giám đốc Nguyễn Anh Đức cho rằng làn sóng dịch lần thứ 4 là giai đoạn khiến cán bộ công nhân viên và ban điều hành vất vả nhất.
Cuối tháng 5, họ đã lên kế hoạch cho các tình huống xấu nhất. Dù chuẩn bị khá bài bản, nhưng sang tháng 7, chợ truyền thống ngưng hoạt động khiến việc cung ứng thực phẩm cho người dân dồn sang kênh bán lẻ hiện đại. Khi dịch lan nhanh, chi phí đầu vào, nhân công và chi phí vận chuyển leo thang đẩy giá hàng hoá tăng cao.
Saigon Co.op đặc biệt đau đầu về nhân sự. Có siêu thị buộc phải đóng cửa vì có ca nghi nhiễm. "Chúng tôi liên tục họp, có thời điểm họp tới nửa đêm mới kết thúc để đưa ra kế hoạch hoạt động tối ưu nhất", ông Đức nói. Khi nhân lực giảm mạnh do phải cách ly, Saigon Co.op quyết định dùng thêm các cách giao hàng chưa có tiền lệ như taxi, xe tải nhỏ. Họ cũng không tăng giá hàng hóa, chấp nhận bù lỗ.
Kỷ niệm ông Đức nhớ nhất là cung cấp gói an sinh cho Mặt trận Tổ Quốc TP HCM gấp rút chỉ trong 5-7 ngày, khi nhân lực đang mỏng. "Đây là lần đầu tiên chúng tôi được trải nghiệm việc hoàn thành gấp rút đơn hàng lớn. Đó là bài học vô giá mà chỉ trong giai đoạn giãn cách chúng tôi mới được trải nghiệm", ông nói.
Ở kênh trực tuyến, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sendo cho rằng, mùa dịch đã đưa thương mại điện tử không chỉ là kênh mua sắm mà còn trở thành dịch vụ thiết yếu. "Đi kèm với vai trò đó là những thách thức lớn cho sàn về việc duy trì phục vụ trong cảnh giao vận và chuỗi cung ứng bị đứt gãy", ông nói.
Nhớ lại 4 tháng trước, khi thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16, ông Dũng cho biết lúc ấy Sendo đang liên tục bán rau củ quả các tỉnh thành trên sàn phục vụ nhu cầu đi chợ tại nhà. Tuy nhiên, trong một đợt bán xuất hiện một đơn vị cung ứng đóng gói không đúng chuẩn lượng lớn rau củ, nếu giao đến tay khách sẽ bị dập úng.
"Tưởng chừng hàng trăm khách hàng sẽ không nhận được thực phẩm thiết yếu. Nhưng sau một tin nhắn cầu cứu trên các kênh nội bộ, hàng chục cán bộ công nhân viên của Sendo, bất kể là nhân viên hậu cần, kinh doanh hay kế toán đã tự nguyện có mặt tại kho hàng, làm việc xuyên đêm để phân loại và đóng gói cẩn thận từng đơn, đảm bảo khách nhận được rau củ tươi xanh ngày hôm sau", ông Dũng kể.
Giai đoạn vừa qua cũng mang lại cho ông cái nhìn mới về ngành. "Trong bối cảnh bình thường mới, câu chuyện kinh doanh thương mại điện tử không chỉ là giá rẻ, hàng nhiều mà phải đảm bảo đúng nơi, đúng lúc, chất lượng cao thì mới phục vụ được cho đời sống người dân", ông nói.
Người dân TP HCM đi mua sắm tại một siêu thị ở quận 3, ngày 11/7/2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Niềm tin "mở cửa"
"Hôm 30/9 đến nay tôi liên tục nhận được câu hỏi bao giờ doanh nghiệp hết "3 tại chỗ", hay khi nào được về nhà, được tái lập hoạt động kinh doanh như bình thường. Nó cho thấy mọi người rất trông đợi vào thời điểm mà thành phố có những thay đổi trạng thái cho tái sản xuất kinh doanh", ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh chia sẻ trong một tọa đàm mới đây.
Từ giữa tháng 9, Nhựa Bình Minh đã có bạn hàng lại. Kết quả kinh doanh quay về khoảng 50% kế hoạch sản lượng. Đà phục hồi và niềm mong mỏi của ông Ngân cũng như nhiều doanh nghiệp đã được đáp ứng khi TP HCM quyết định dần mở cửa để thích ứng với Covid-19 từ 1/10.
Không chỉ có thành phố, quan điểm trên đã có ở cấp trung ương. Hôm 12/10, trong cuộc gặp với các doanh nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ sớm được ban hành, tập trung hỗ trợ khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.
"Chúng ta đang từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế", Thủ tướng nhấn mạnh. Đáp lại, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn được đóng góp trí tuệ vào chương trình phục hồi tổng thể cấp quốc gia cũng như ở các ngành, các địa phương.
Niềm tin đang dần lan tỏa. "Nữ hoàng trứng" Phạm Thị Huân cho biết hoạt động sản xuất đã dần ổn định. Dù chưa có kế hoạch sản xuất cho Tết Nguyên Đán nhưng bà Huân tự tin đủ nguồn hàng để cung cấp vào cao điểm.
Tổng giám đốc Vissan Nguyễn Ngọc An cũng khẳng định, doanh nghiệp đã dần phục hồi sản xuất. "Chúng tôi đã và đang chuẩn bị cho nguồn hàng cung ứng giá cả hợp lý và đầy đủ cho dịp Tết Nguyên Đán 2022", ông nói. Trong khi, Tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức kỳ vọng kinh tế 2022 sẽ khởi sắc hơn.
Chủ tịch Sendo Nguyễn Đắc Việt Dũng thì tin rằng thương mại điện tử kết nối tốt với các doanh nghiệp sản xuất trong nước chính là bàn đạp hồi phục kinh tế. "Sendo rất mong muốn đóng một vai trò chủ động trong giai đoạn này", ông nói.
Có thể thấy, dịch bệnh đã tạo ra những mất mát, nhưng nó cũng mang đến những bài học, giúp doanh nhân trẻ trưởng thành và doanh nhân thâm niên thêm lão luyện. Nhờ vậy, sức đề kháng của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế cũng được củng cố, để sẵn sàng đón những trận sóng khác có thể đến trong tương lai.
Viễn Thông - Thi Hà ( VNEXPRESS )