Những rủi ro đầu tiên của phương án sản xuất "3 tại chỗ" đã xuất hiện khi một số doanh nghiệp công bố các ca dương tính trong nhà máy. Vì vậy nhiều nghiệp muốn dừng hoạt động sản xuất để đảm bảo an toàn hoặc lên phương án diễn tập nhằm chủ động với rủi ro.
Không chỉ câu chuyện về chi phí ăn ở, xét nghiệm tạo gánh nặng cho doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” mà nay dịch bệnh lây lan trong nhà máy đang là một yếu tố có thể đẩy họ vào khủng hoảng. Rủi ro xuất hiện doanh nghiệp không kịp trở tay và cũng không thể chủ động nếu không có hướng dẫn cụ thể các trường hợp hoặc phương án dự phòng khác.
Ca nhiễm lan nhanh trong các nhà máy
Ngày 28-7, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) thông báo, từ ngày 19-7 đến ngày 27-7, công ty đã tổ chức thực hiện 10 lượt xét nghiệm cho người lao động. Qua đó phát hiện 43 ca nhiễm Covid-19 (ca F0). Các ca nhiễm Covid-19 tập trung chủ yếu tại các bộ phận thu mua và cung ứng, bộ phận tiếp nhận nguồn heo hơi.
Ngay sau khi phát hiện có ca nghi nhiễm đầu tiên, Công ty Vissan đã phối hợp các đơn vị chức năng đưa các ca F0 đi cách ly theo quy định; đồng thời tiến hành sàng lọc, tổ chức khoanh vùng phong tỏa tạm thời các khu vực có ca nghi nhiễm và thực hiện các quy định theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC). Với sự hỗ trợ của UBND quận Bình Thạnh, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, Công ty Vissan đã chuyển các ca F1 đến nơi tập trung trên địa bàn quận này.
Sự cố đã khiến cho nguồn thịt từ doanh nghiệp này cung ứng cho các hệ thống bán lẻ bị gián đoạn trong hai ngày qua. Đến nay doanh nghiệp đã ra thông báo tiếp tục cung ứng mặt hàng thực phẩm tươi sống tại thị trường TPHCM. Riêng đối với các hoạt động kinh doanh khác sẽ được khôi phục dần sau khi các lực lượng lao động tại các khu vực cách ly đủ điều kiện trở lại làm việc.
Sau khi thực hiện phương án "3 tại chỗ" từ 28-6 cho 1.500 nhân viên, trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm công nhân, công ty này đã phát hiện các ca dương tính. Như vậy rủi ro về việc lây nhiễm vẫn có thể xảy ra trong nhà máy nếu biện pháp tuân thủ quy định phòng dịch không được chặt chẽ.
Hay như mới đây, UBND thị xã Tân Uyên (Bình Dương) vừa có công văn gửi các doanh nghiệp trên địa bàn về việc tạm ngưng hoạt động, sản xuất kinh doanh theo phương án "3 tại chỗ".
Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, cho biết sau khi địa phương quyết định giãn cách theo Chỉ thị 16, có khoảng 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn gửi đăng ký thực hiện phương án "3 tại chỗ" để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh.
"Tuy nhiên, đến nay do tình dịch bệnh diễn phức tạp, có nhiều ca dương tính Covid-19 được phát hiện trong doanh nghiệp thực hiện phương án 3 tại chỗ, doanh nghiệp thiếu hụt nguyên vật liệu để sản xuất... Vì vậy một số doanh nghiệp muốn dừng hoạt động sản xuất 3 tại chỗ'", ông Tươi cho biết.
Lãnh đạo UBND thị xã Tân Uyên đã đề nghị các doanh nghiệp muốn dừng hoạt động sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" phải tổ chức xét nghiệm cho tất cả người lao động trước khi họ ngừng việc để trở về nơi cư trú, nhà trọ tại địa phương. Đồng thời, họ phải có giấy xét nghiệm âm tính với nCoV.
Trước đó, Công ty công ty Kỹ nghệ gỗ Long Việt (Bình Dương) cũng đã có đơn đề nghị khẩn đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương giải quyết cho công ty liên quan đến việc doanh nghiệp có ca dương tính do Covid-19. Cụ thể, đối với F0 cơ quan y tế đưa đi điều trị, trường hợp F1 cho về nhà tự cách ly, theo dõi và điều trị tại địa phương.
Nguyên nhân do số lượng lao động làm việc theo tiêu chí "3 tại chỗ" của doanh nghiệp là 288 công nhân, trong đó có 248 ca dương tính, con số này thực sự quá lớn, doanh nghiệp đã kiệt sức không thể tự quản lý, kiểm soát công tác phòng chống dịch được nữa.
Hầu hết doanh nghiệp cho biết, quy trình thực hiện "3 tại chỗ" đều tuân thủ các quy định về phòng dịch như xét nghiệm, đảm bảo 5K. Nhà máy cũng được bảo vệ cẩn thận, bố trí thoáng mát nhưng rủi ro không lường trước vẫn có thể xảy ra. Trong bối cảnh hiện nay thì doanh nghiệp cho rằng để kiểm soát được tình hình là điều không dễ khi nguồn lực của doanh nghiệp có giới hạn.
Doanh nghiệp làm gì để chủ động?
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" khá tốn kém và nhiều khó khăn trong vận hành. Hầu hết công nhân tỏ ra nghi ngại, lo lắng không muốn vào làm tập trung; doanh nghiệp phải xét nghiệm Covid-19 cho công nhân; sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho công nhân như thế nào trong thời gian ngắn vì nhà máy vốn là nơi chỉ để sản xuất; lo có đủ nguyên liệu để sản xuất hay không, vì hiện chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy.
Nhưng nhiều doanh nghiệp quyết định vẫn duy trì sản xuất vì nếu nhà máy đóng cửa, nghỉ dịch thì chuỗi sản xuất, cung ứng sẽ bị đứt gãy, công nhân mất việc, không có thu nhập sẽ để lại nhiều hệ lụy.
“Chúng tôi làm "3 tại chỗ" không phải vì lợi ích của doanh nghiệp bởi thực tế chi phí đội lên rất nhiều. Nhưng vẫn chọn phương án này vì làm trong điều kiện "3 tại chỗ" giữ chân được lao động và công nhân vẫn có thu nhập trong mùa dịch”, ông Phạm Ngọc Phước - Giám đốc An Khang Furniture chia sẻ.
Doanh nghiệp phải lên phương án diễn tập sẵn sàng cho các trường hợp rủi ro khi thực hiện sản xuất "3 tại chỗ". Ảnh minh họa: TTXVN |
Nói về việc thực hiện sản xuất 3 tại chỗ, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM, cho rằng điều lo lắng nhất của doanh nghiệp là sự bị động trong các tình huống rủi ro. Trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ" phát hiện F0 thì sẽ xử lý sao? Thực tế, đã có doanh nghiệp phát hiện ca F0 trong lúc thực hiện "3 tại chỗ" nhưng báo với chính quyền các cấp đều không được hướng dẫn xử lý kịp thời.
Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) khuyến nghị doanh nghiệp cần phân tán rủi ro và chuẩn bị sẵn mọi tình huống. Cùng với việc thực hiện chia tổ, tách đội sản xuất thì bản thân đội ngũ quản lý tại các doanh nghiệp cũng phải phân chia theo nhóm để quản lý, phòng trường hợp có người không may dương tính với Covid-19 còn có đội ngũ tiếp quản.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết rất may mắn là đến hiện tại doanh nghiệp vẫn tương đối an toàn khi thực hiện “3 tại chỗ”. Trước đó, ngoài việc xét nghiệm tầm soát thì doanh nghiệp cũng đã có phương án chia các khu sản xuất, hoạt động biệt lập để phòng ngừa việc lây lan dịch bệnh trên diện rộng nếu có ca nhiễm. Một khu không may có ca nhiễm thì các khu khác vẫn có thể hoạt động.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng các phương án diễn tập là điều hết sức cần thiết với các doanh nghiệp chưa có F0. Trong đó giải quyết các tình huống như doanh nghiệp có trường hợp F0 thì sẽ thực hiện như thế nào? Việc này không phải dễ, nhưng đây là phương pháp về quản lý ứng phó với tình trạng khẩn cấp. Thiết lập đường dây với cơ quan CDC gần nhất.
Trong trường hợp khi nhà máy phát hiện ca F0 thì người quyết định cao nhất phải bình tĩnh, đưa F0 ra khỏi khu cách ly, phân luồng F1 và F2. Truyền thông, nói chuyện với cán bộ, nhân viên để họ bình tâm là vấn đề tiên quyết. Thêm vào đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị, ưu tiên tiêm vaccine cho doanh nhiệp thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”. Ngoài ra, việc doanh nghiệp có ca nhiễm tiếp tục sản xuất hay không tùy thuộc vào tình hình thực tế sản xuất, chi phí và sức khỏe, tinh thần của nhân viên mà các lãnh đạo quản lý đưa ra tính toán phù hợp.
Trích nguồn Kinh tế Sài Gòn Online - 29/7/2021