Bước vào lĩnh vực sản xuất và kinh doanh xúc xích bằng việc cho ra đời sản phẩm xúc xích tiệt trùng đầu tiên của người Việt Nam vào năm 1997, Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan (Vissan) đã một mình một chợ thỏa sức khai thác thị trường trong vòng một thập kỷ. Nhưng sau 10 năm, giờ đây có thêm sự xuất hiện của thương hiệu Đức Việt và CP (Thái Lan), bức tranh toàn cảnh của thị trường xúc xích Việt Nam đã khác. Thị trường bắt đầu hình thành thế chân kiềng của ba tay chơi mạnh nhất: Vissan, Đức Việt và CP. Để gia tăng sức cạnh tranh lên các đối thủ và tạo sự bứt phá trong thời gian tới, Vissan đang có những bước đi chiến lược được tính toán kỹ lưỡng trong nhiều năm.
Duy trì lợi thế của người đi trước
Ngày 19/6/2015 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển và kinh doanh của Vissan. Sau gần 20 năm tham gia trong lĩnh vực kinh doanh xúc xích là người đi tiên phong và nắm giữ vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam, lần đầu tiên Vissan đã có cứ điểm sản xuất của mình tại khu vực phía Bắc với sự hiện diện của nhà máy chế biến xúc xích có công suất chế biến 20.000 tấn sản phẩm/năm trên diện tích 5.000m2 tại khu công nghiệp Tiên Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Nhà máy chế biến xúc xích Vissan có công suất chế Biến 20.000 tấn sản phẩm/năm
“Thị trường miền Bắc bắt đầu được Vissan khai phá từ những năm 2000. Tuy nhiên, thời điểm này mới là lúc hội đủ các điều kiện từ mức độ tiêu thụ trên thị trường, mạng lưới phân phối đến khả năng quản trị để chúng tôi chuyển sang giai đoạn 2 là xây dựng nhà máy sản xuất”, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho hay.
Tiến ra Bắc, Vissan còn tính xa hơn bài toán về vị trí chiến lược để tiến công mạnh ra thị trường bên ngoài khu vực, bởi cứ điểm sản xuất tại phía Bắc sẽ là bàn đạp để công ty chi phối thị trường Lào, bên cạnh việc nhà máy sản xuất tại phía Nam hiện vẫn giúp công ty chi phối mạnh thị trường Campuchia. Ngoài ra, với việc đưa nhà máy tại Bắc Ninh đi vào hoạt động, Vissan sẽ tăng được tốc độ cung ứng hàng hóa ra thị trường, đồng thời kỳ vọng sẽ thỏa mãn được khẩu vị của người tiêu dùng. Theo ông Văn Đức Mười, hiện Vissan đang sở hữu mạng lưới phân phối với 130.000 điểm bán hàng, 87 đại lý và 116 nhà phân phối trên cả nước. Hệ thống kênh phân phối của doanh nghiệp này cũng khá đa dạng: từ các cửa hàng tiện lợi, trường học, nhà hàng, khách sạn đến chợ và siêu thị. Lợi thế về thương hiệu cũng giúp Vissan dễ dàng xuất hiện tại những vị trí đắc địa trên các kệ hàng của hầu hết những hệ thống siêu thị lớn như: Co.op Mart, Metro, BigC, Lotte. Bên cạnh đó, Vissan cũng tận dụng triệt để lợi thế của hệ thống phân phối của công ty mẹ là Tổng công ty Thương mại Sài gòn (SATRA) – với hơn 60 cửa hàng bán lẻ Satrafood- để tiếp cận với người tiêu dùng và cộng hưởng sức mạnh về thương hiệu.
Hiện thị trường xúc xích tiệt trùng có khoảng 15 nhà sản xuất, trong đó vissan đang dẫn đầu
Vài năm gần đây, chuỗi cửa hàng bán lẻ của Vissan đã tăng lên đáng kể với 85 cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên cả nước. Tuy nhiên, mục tiêu chính của hệ thống bán lẻ không nhằm vào việc tăng doanh số bán hàng mà chủ yếu là để tăng độ nhận biết thương hiệu và kiểm soát giá cả. Ngoài ra, đây cũng là kênh quan trọng giúp Vissan tương tác trực tiếp với người tiêu dùng, ghi nhận các phản hồi, lắng nghe thị trường để xây dựng ngân hàng sản phẩm mới.
Hiện với xúc xích tiệt trùng, Vissan đã có khoảng 17 loại khác nhau, trong đó có nhiều nhãn như: Hola, Dzo Dzo, Lucky, Ba bông mai – để đáp ứng khẩu vị của nhiều nhóm đối tượng khách hàng ở những lứa tuổi và địa bàn sinh sống khác nhau. Bên cạnh xúc xích truyền thống như heo, bò…, những hương vị mới như: tôm, vị bắp đã được Vissan tạo ra nhằm mang lại trải nghiệm mới cho người tiêu dùng. Các chất dinh dưỡng như DHA, chất xơ… cũng được bổ sung để gia tăng thêm giá trị của sản phẩm. Cách làm này giúp thương hiệu Vissan luôn có câu chuyện mới để kể với người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là cách để một thương hiệu có lợi thế về thương hiệu và quy mô có thể dễ dàng bứt tốc trước sự đeo bám của thương hiệu đi sau – vốn không đủ nguồn lực để liên tục đổi mới như các thương hiệu thuộc tốp đầu.
Với độ phủ trong hệ thống siêu thị và các cửa hàng bán lẻ cùng với thương hiệu đã được khẳng định, ông Mười khá tự tin về khả năng cạnh tranh của Vissan trước các đối thủ nước ngoài dự kiến sẽ tiến vào thị trường Việt Nam trong một thời gian không xa.
Vẫn còn room để thị trường phát triển
Tại Việt Nam, xúc xích tiệt trùng được biết đến vào những năm 1994, khi những chiếc xúc xích đầu tiên từ Trung Quốc tràn qua biên giới. Với lợi thế tiện dụng, có thể ăn được ngay và bảo quản được ở nhiệt độ bình thường (từ 25 – 26 độ), loại xúc xích này đã nhanh chóng được thị trường trong nước đón nhận bất chấp giá cao.
Ở thời điểm đó, Vissan vẫn đang loay hoay với dây chuyền công nghệ sản xuất thịt nguội mà họ đầu tư với ý định xuất khẩu sang Liên Xô (cũ) nhưng không thành, do rơi vào đúng thời điểm nền kinh tế này biến động. Trong khi đó, thị trường trong nước, vốn mặc định thịt nguội là món ăn đặc trưng của người phương Tây, vẫn chưa thực sự đặt niềm tin vào sản phẩm được làm bởi bàn tay của người Việt. Tín hiệu tốt từ thị trường đối với sản phẩm xúc xích tiệt trùng lúc ấy là gợi ý cho một hướng đi mới trong kinh doanh của Vissan.
Chỉ có khoảng 15% trang trại chăn nuôi của Việt Nam là có quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, còn lại là manh mún, nhỏ lẻ
Năm 1997, Vissan kết hợp với một đối tác từ Nhật để đưa dây chuyền sản xuất xúc xích tiệt trùng vào Việt Nam, dưới hình thức chuyển giao công nghệ và cho mượn máy sản xuất thử. Dây chuyền này được kết hợp với dây chuyền sản xuất thịt nguội trước đó để cho ra những sản phẩm có hương vị và kích thước được thiết kế riêng cho thị trường Việt Nam. Là doanh nghiệp trong nước đầu tiên có thể sản xuất sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sử dụng công nghệ Nhật, sản phẩm xúc xích tiệt trùng của Vissan không khó để chiếm lĩnh thị trường. Những sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc nhanh chóng bị đẩy lùi.
Mãi tới những năm 2005 – 2006, nhìn thấy tiềm năng phát triển của dòng sản phẩm này, một số nhà sản xuất quy mô nhỏ bắt đầu nhập dây chuyền sản xuất của Trung Quốc và nhảy vào thị trường. Từ thời điểm đó thị trường xúc xích bắt đầu trở nên sôi động. Đến nay, Vissan, Đức Việt và CP đã chia nhau những miếng bánh lớn nhất của thị trường này. Trong khi Đức Việt và CP phát triển mạnh về xúc xích tươi, Vissan vẫn chủ yếu tập trung đầu tư phát triển xúc xích tiệt trùng, thứ mà họ có lợi thế của người khai phá thị trường.
Ông Văn Đức Mười cho hay, hiện thị trường xúc xích tiệt trùng có khoảng 15 nhà sản xuất, trong đó Vissan đang dẫn đầu về thị phần. Theo thông tin từ Vissan, sản lượng tiêu thụ xúc xích tiệt trùng hàng năm của Việt Nam đang ở mức khoảng 50.000 tấn/năm, trong số đó Vissan cung ứng khoảng 20.000 tấn, chiếm 35 – 40% thị phần. Vẫn theo số liệu cung cấp bởi Vissan, hiện nay nếu so với quốc gia láng giềng Trung Quốc có mức tiêu thụ xúc xích tiệt trùng bình quân đầu người là 0,76 kg/năm thì mức tiêu thụ của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp, vào khoảng 0,55kg/người/năm. Tuy nhiên, trong thói quen tiêu dùng của người Việt, xúc xích tiệt trùng không còn được coi là sản phẩm tiện dụng và thiết yếu như giai đoạn trước. Nếu như từ năm 2012 trở về trước, tốc độ tăng trưởng của dòng sản phẩm này luôn ở mức 10%/năm thì vài năm gần đây con số này đang có xu hướng giảm dần. Điều này cũng phù hợp với xu hướng phát triển chung của thị trường tại các nước phát triển, khi phân khúc xúc xích tiệt trùng bão hòa, thị trường sẽ hướng đến đến dòng cao cấp hơn là xúc xích tươi và xúc xích thịt nguội. Mặc dù nhận định điểm này vẫn còn xa, nhưng Vissan cũng đã có những động thái chuyển hướng khi chính thức tham gia vào phân khúc xúc xích tươi cách đây hai năm.
Nút thắt ngành chăn nuôi
Nguyên liệu cho xúc xích nói riêng và các sản phẩm thực phẩm chế biến nói chung là vấn đề khiến Vissan đau đầu nhất trong giai đoạn này. Mặc dù đã chủ động tìm hướng để giải quyết bài toán, nhưng nỗ lực của một doanh nghiệp đơn độc là không đủ. “Từ trang trại đến bàn ăn”, câu khẩu hiệu này được Vissan đặt ra từ rất sớm, với quyết tâm xây dựng một quy trình khép kín, có thể kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra cuối cùng. Đặc biệt, đối với sản phẩm tiêu dùng ngay như xúc xích tiệt trùng, tiêu chí này là tối quan trọng.
Để giải quyết bài toán nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm xúc xích tiệt trùng, Vissan đã đầu tư hai trang trại tiêu chuẩn tại Bình Thuận là Gò Sao và Song Hà. Hiện tại, hai trang trại này chỉ mới cung cấp được khoảng 15% nguyên liệu cho Vissan, phần còn lại vẫn phải thu mua từ các trang trại, hộ chăn nuôi cá thể. Bên cạnh mục tiêu chủ động một phần nguồn nguyên liệu, hai trang trại này còn đóng vai trò là mô hình chăn nuôi kiểu mẫu để Vissan phổ biến và áp dụng vào các trang trại chăn nuôi tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm của công ty. Các trang trại được Vissan đầu tư ngay từ khâu con giống. Vissan nhập các con giống thuần chủng từ các nước phát triển, sau đó nhân giống qua vài thế hệ để tạo ra giống heo thương phẩm, từ đó nhân rộng tại các trang trại.
Tuy vậy, ông Mười cho hay, để chủ động được 100% nguyên liệu là điều vô cùng khó, bởi với sản lượng giết mổ hàng ngày lên đến 3.000 con, doanh nghiệp không thể có đủ diện tích và nguồn lực để đầu tư từ đầu đến cuối. Do vậy, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải đóng vai trò làm nhạc trưởng trong chuỗi cung ứng này, điều tiết và kiểm soát được các công đoạn.
Có một thực tế mà ai cũng biết là đặc thù của ngành chăn nuôi Việt Nam là sản xuất manh mún, thiếu bài bản… dẫn đến năng suất thấp, giá thành cao. Đây là vấn đề khiến lãnh đạo của Vissan lo lắng nhất. Theo ông Mười, hiện chỉ có khoảng 15% số trang trại chăn nuôi của Việt Nam có quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, phần còn lại là manh mún, nhỏ lẻ. Khi một loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết và đi vào thực thi, các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, đây sẽ yếu huyệt đối với các sản phẩm của Vissan, trong đó có xúc xích tươi trước sự cạnh tranh của các thương hiệu đến từ nước ngoài.
Theo một thống kê gần đây của Bộ Công Thương, giá các loại thịt là nguyên liệu chính của xúc xích như: thịt heo, thịt bò… của Việt Nam luôn cao hơn so với giá trung bình của khu vực từ 5.000 – 10.000/kg. Điều này sẽ tạo ra lợi thế lớn cho các thương hiệu nước ngoài khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Giải pháp mà ông Mười đưa ra với ngành chăn nuôi Việt Nam là tái cấu trúc mạnh mẽ từ khâu con giống đến thức ăn gia súc, quy trình chăn nuôi và khoa học công nghệ, trong đó có sự liên kết chặt chẽ của cả bốn nhà: nhà sản xuất nguyên liệu, nhà khoa học, nhà chế biến và nhà quản lý. Bên cạnh đó, hướng truy xuất nguồn gốc – đòi hỏi tất yếu của thị trường quốc tế – là điều ngành chăn nuôi bắt buộc phải thực hiện được. Quá sốt ruột về năng lực của ngành chăn nuôi nước nhà hiện nay, ông Mười thẳng thắn: “Khi Việt Nam thực sự hội nhập sâu rộng, nếu nền chăn nuôi trong nước không đảm bảo được chất lượng và giá thành, Vissan cũng không thể hy sinh để bảo hộ sản xuất trong nước được”.
Để theo đuổi hướng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng tỷ lệ nguyên liệu đầu vào có xuất xứ nguồn gốc tại Việt Nam, Vissan đã lên kế hoạch IPO trong vòng 5 năm tới nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để đầu tư một cụm công nghiệp có giá trị tới 100 triệu USD. Với lợi thế về bề dày thương hiệu và thị phần, ông Mười tỏ ra khá lạc quan về hấp lực của Vissan với các nhà đầu tư.
Với những bước đi khá quyết liệt trong việc mở rộng quy mô và đầu tư vào chuỗi giá trị trong ngành chế biến thực phẩm, không khó để nhận thấy tham vọng của Vissan trong cuộc chơi mang tên xúc xích, dự đoán sẽ ngày càng sôi động với sự hiện diện của nhiều tay chơi mới từ nước ngoài, dạn dày kinh nghiệm và nguồn lực tài chính. Đó hẳn là cuộc so găng đầy cam go. Vissan – với lợi thế riêng có của mình – đã sẵn sàng cho cuộc so găng ấy.
Thu Hương
Trích nguồn Doanh Nhân - 19/08/2015