Ngày 11/5, Công an TP.HCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH).
Tại Hội nghị, Cục Cảnh sát PCCC-CNCH (C07, Bộ Công an); Viện Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng; Sở Xây dựng TPHCM; Phòng PCCC-CNCH (PC07, Công an TPHCM) giải đáp các thắc mắc kiến nghị, hướng dẫn tới các doanh nghiệp.
Với 11 nhóm vấn đề và 35 câu hỏi đặt ra, nhiều doanh nghiệp đã nêu ý kiến về những vướng mắc và đề xuất tháo gỡ trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về PCCC; nội dung khó khăn, vướng mắc và đề xuất tháo gỡ trong Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD và tiêu chuẩn về PCCC.
Đồng thời, các doanh nghiệp và người dân thuê mặt bằng hoạt động ở các công trình hiện hữu để đầu tư xây dựng, trang bị lắp đặt hệ thống PCCC cũng vấp phải nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp vẫn kêu khó
Các doanh nghiệp thuê mặt bằng ở các tòa nhà hiện hữu trước đây đã được thẩm duyệt nghiệm thu về PCCC, để phù hợp với yêu cầu hoạt động thì cơ sở phải cải tạo, sửa chữa, theo quy định của pháp luật phải thực hiện việc thẩm duyệt, nghiệm thu lại theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, điều này rất khó thực hiện vì kinh phí lớn hoặc khó tìm được phương án khả thi; nhiều doanh nghiệp thuê mặt bằng hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các công trình có sẵn (như nhà xưởng, kho bãi, nhà dân....), để đảm bảo các yêu cầu về PCCC ngoài việc đầu tư kinh phí lớn còn vấp phải nhiều trở ngại như: phải cải tạo ảnh hưởng đến kết cấu công trình (việc này đơn vị cho thuê thường không đồng thuận); xin phép cơ quan quản lý xây dựng về việc chuyển đổi mục đích sử dụng...
Ông Lê Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Leglor, đã có 36 năm trong ngành sản xuất tâm tư, chỉ có những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành sản xuất mới hiểu được những điều bất hợp lý trong quy định về PCCC thời gian vừa qua.
Ông Mạnh đặt câu hỏi số liệu thống kê nào số doanh nghiệp được cấp giấy phép về PCCC và giãi bày: “Giấy phép PCCC vô cùng quan trọng. Tại sao? Khi ký HĐ với nước ngoài, họ hỏi mình đã có chứng chỉ chưa? trong đó có quy định về giấy phép PCCC. Để mấy chục năm lăn lộn trong sản xuất kéo được khách hàng ký HĐ họ quy định vô cùng chặt chẽ. Kinh thế thế giới thay đổi nhanh chóng, làm sao chúng tôi chờ đợi được? Nên nỗi lo vẫn còn vô vàn”.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) phản hồi ý kiến, chỉ trong một thời gian ngắn trong và sau đại dịch, các DN trong các KCN phải thực hiện hàng loạt quy định thay đổi của nhà nước.
Trong quá trình thực hiện các quy định mới, Các DN gặp nhiều vướng mắc, cụ thể: “Các cơ quan chức năng ban hành nhiều tiêu chuẩn chưa phù hợp với khả năng đầu tư của DN dẫn đến chi phí đầu tư quá cao làm đội giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh với các nước trong khu vực”.
Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây băn khoăn những quy định PCCC làm cho doanh nghiệp ít nhiều cảm thấy “rối ren”: "Nếu mấy chục doanh nghiệp khó khăn một năm, 100 doanh nghiệp nhà xưởng không đi lên, đó cũng góp phần làm cho kinh tế đi xuống. Một năm trôi qua nhanh lắm, chúng tôi phải trả tiền, phải mất đất, phải đủ thứ... Bây giờ muốn vay ngân hàng đâu phải dễ. Tôi đang xây dựng hệ thống nhà kho 21.000m2, xây trên đất khoảng 15.000m2 chưa xây, mà đất của khu CN Hiệp Phước.
Theo luật PCCC, nếu khu CN đi vào hoạt động thì khu CN phải đạt được tiêu chí PCCC. Chúng tôi xây dựng nhà kho từ 29/3/2023, hồ sơ bị trả rất nhiều lần, rất nhiều quy định mà tôi nghĩ là không thể làm được. Ví dụ như bây giờ yêu cầu doanh nghiệp phải có bãi đỗ xe PCCC là điều không hợp lý với doanh nghiệp trong Khu chế xuất”.
Bên cạnh đó, bà Giàu cũng cho rằng, cần có bể nước PCCC cũng khó khả thi, gây ra lãng phí trong khi trong khu CN đã có hạ tầng chữa cháy.
Sẽ tháo gỡ trực tiếp
Trả lời những băn khoăn của doanh nghiệp, Thiếu tá Đoàn Từ Lập, Trưởng phòng Thẩm duyệt PCCC - Cục Cảnh sát PCCC & Cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an giải đáp những yếu tố kỹ thuật liên quan dựa vào hồ sơ đề xuất của chủ đầu tư và căn cứ trên quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành: “Đối với nhà kho hạng sản xuất C, với bậc chịu lửa bậc 4, nhà khung thép mái tôn, diện tích nhà kho một tầng được phép 7.800m2.
Như vậy, với diện tích nhà kho của Công ty hơn 5.700m2 có thể được phép xây dựng bậc điều chỉnh với vật chịu lửa bậc 4. Khi không cần nâng bậc chịu lửa thì không cần phải sử dụng các giải pháp hoặc bảo vệ chống cháy trong kết cấu”.
Thiếu tá Đoàn Từ Lập cũng thông tin thêm, đối với các nhà xưởng, nhà kho xây dựng trong các Khu CN, khu chế xuất đã có hạ tầng về cấp nước, chữa cháy ngoài nhà thì có thể được xem xét sử dụng hạ tầng cho cung cấp chữa cháy ngoài nhà. Còn đối với chữa cháy trong nhà, phải căn cứ theo tiêu chuẩn hiện hành có thể phải trang bị họng nước chữa cháy trong nhà và hệ thống chữa cháy tự động (nếu có). Bên cạnh đó, không phải tất cả các nhà và công trình đều phải nâng bậc chịu lửa.
Đối với kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM về tiêu chuẩn PCCC, theo quy định mới, chủ đầu tư muốn xây dựng một nhà kho có diện tích 1.500m2 thì phải xây dựng một bể nước 400m3 có thể đáp ứng đủ nước cho công trình trong công tác chữa cháy trong 3 giờ, yêu cầu này quá cao so với quy định trước đây (bể nước chỉ 27m2-48m2) làm tăng chi phí và doanh nghiệp khó đáp ứng.
Thiếu tá Đoàn Từ Lập tính toán: “Đối với các nhà xưởng có quy mô vừa và nhỏ, việc tính toán cấp nước chữa cháy trong nhà trong vòng 1 giờ, lưu lượng 2,5-5 lít/giây, như vậy phần cấp nước cho họng nước chữa cháy trong nhà chỉ khoảng 18 khối. Đối với chữa cháy tự động, nhà kho thuộc diện phải trang bị, với chiều cao kệ hàng từ 1-2m thì cường độ phun chỉ yêu cầu 0,16 lít /giây/m2; diện tích tính toán 90m2 và chữa cháy trong vòng 1 giờ thì lưu lượng chỉ có 14.4 lit và khối tích cần chỉ là 51 khối”.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng PCCC-CNCH (PC07, Công an TPHCM) cho biết, đến nay lực lượng chức năng đã hướng dẫn cho 869 cơ sở trên địa bàn. Phòng PC07 đã tổ chức kiểm tra và phục hồi hoạt động cho 363 cơ sở, đang khắc phục vi phạm 486 cơ sở. Ngoài ra có 219 cơ sở đã cam kết thực hiện nhưng chưa khắc phục được và 124 cơ sở không có khả năng khắc phục: “Công an Thành phố đã tổ chức 1 Hội nghị các đơn vị trong nội bộ CATP, 2 Hội nghị gặp gỡ, với chủ đầu tư, doanh nghiệp hoạt động tư vấn thiết kế về PCCC để thống nhất áp dụng tinh thần tháo gỡ của cấp trên, trực tiếp tham gia 3 buổi tọa đàm do các cơ quan báo chí và Hiệp Hội doanh nghiệp Thành phố tổ chức; Phòng PC07 cũng đã thành lập Tổ đặc biệt để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc về công tác thẩm duyệt, nghiệm thu”.
Trưởng Phòng PC07 nhấn mạnh đơn vị luôn thấu hiểu, đồng cảm, đồng hành cùng các doanh nghiệp ở TP.HCM trong thời gian qua bởi các doanh nghiệp, cơ sở vừa phải trải qua khoảng thời gian ngừng hoạt động do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, PGĐ Công An TP.HCM nhận trách nhiệm của Công an đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM; để cho các doanh nghiệp bức xúc, khúc mắc về quy định phòng cháy chữa cháy và không an tâm trong tổ chức sản xuất, mở rộng sản xuất mất nhiều thời gian qua. Lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để an tâm sản xuất.
“Sắp tới, mỗi sáng thứ 5 hàng tuần Công an TP.HCM sẽ tiếp DN tại Công an PCCC & CHCN (PC07) để giải đáp những thắc mắc về các quy định PCCC. Lực lượng sẽ hướng dẫn một cách đầy đủ về quy định liên quan đến PCCC. Đó là các vấn đề về kết cấu nhà xưởng, công trình; vật liệu cháy; lối thoát nạn; hệ thống; bể nước... để chúng ta thống nhất với nhau, hiểu cho đúng và thực hiện cho đủ”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng nhấn mạnh.
Hồng Lĩnh – Phan Nhơn
Trích nguồn VOVGIAOTHONG - 11/5/2023