Ngày 3-3, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì cuộc gặp gỡ, đối thoại với 123 doanh nghiệp (DN) tiêu biểu cùng các hiệp hội ngành, nghề để lắng nghe những tâm tư, khó khăn vướng mắc của DN. Các ý kiến xoáy thẳng vào các vấn đề tồn tại như: vốn, thuế, cải cách hành chính, chất lượng nguồn nhân lực… Nhiều DN xem đây là một “Hội nghị Diên Hồng” để cùng hướng đến sự phát triển bền vững của TPHCM trong giai đoạn mới.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải gặp gỡ các doanh nghiệp. Ảnh: Việt Dũng
Cơ chế, chính sách chưa đi vào cuộc sống
Phát biểu mở đầu, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và các DN được tiến hành trong thời điểm TPHCM cùng cả nước đang chuẩn bị nhiều kế hoạch kỷ niệm các ngày lễ lớn. Năm 2015 là năm quan trọng: tiến hành đại hội Đảng các cấp và tiến tới đại hội Đảng toàn quốc sẽ tác động sâu sắc đến kinh tế - xã hội; huy động mọi nguồn lực để phát huy và xây dựng Tổ quốc. Đồng thời năm 2015, Việt Nam sẽ gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN; tham gia và thực hiện các cam kết đối với 7 hiệp định FTA và nhiều hiệp định khu vực quan trọng như TPP, Việt Nam - EU… Trong bối cảnh đó, DN, doanh nhân chính là đội ngũ có những đóng góp to lớn trong xây dựng và hiện đại hóa đất nước, là lực lượng xung kích trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới. Đây là cơ hội các DN mạnh dạn nêu những khó khăn, vướng mắc thật cụ thể để lãnh đạo và DN cùng tìm biện pháp để giải quyết.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM đi thẳng vào vấn đề khi dẫn ra số liệu 11 tháng năm 2014, trên địa bàn TPHCM có 22.423 DN ngừng hoạt động. Trung bình 1 tháng có 2.038 DN ngừng hoạt động, trong khi con số này của năm 2013 là 1.871 DN. Theo đó, nhiều DN chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng trong lĩnh vực bất động sản chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Theo ông Minh, một DN muốn phát triển phải hội đủ 3 điều kiện đó là nguồn nhân lực, vốn và cơ chế chính sách thông thoáng. Hiện còn rất nhiều DN khó tiếp cận vì vướng nợ xấu nên cần cơ chế thông thoáng, hợp lý hơn (như cho khoanh nợ, đảo nợ, hạ lãi suất cũ bằng lãi suất hiện hành, không nên áp dụng hình thức mua bán nợ). Nên ưu tiên lãi suất thấp và ổn định theo vòng đời từng dự án của DN. Ngoài ra, cần ưu tiên lãi suất cho DN làm hàng tiêu dùng và xuất khẩu, sản xuất hàng công nghiệp hỗ trợ, 4 ngành kinh tế mũi nhọn và 2 ngành truyền thống.
Ông Nguyễn Xuân Hàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Maseco, khi cho rằng, nhiều năm qua, DN đang phải chiến đấu rất cực khổ tại thị trường trong nước và ngoài nước. Nhiều DN phá sản, rời bỏ thị trường một cách bất đắc dĩ. Gần đây có thông tin cho thấy nhiều thương hiệu nổi tiếng đã rơi vào tay DN nước ngoài. DN buộc phải chấp nhận một cuộc sàng lọc và sự khắc nghiệt của quy luật đào thải. Vấn đề đặt ra là các DN còn lại có đủ sức, đủ điều kiện để tồn tại và khôi phục sản xuất, phát triển kinh doanh hay không, sẽ phụ thuộc chủ yếu vào cơ chế, chính sách của nhà nước. Đặc biệt là thủ tục hành chính đang gây rất nhiều khó khăn, khổ sở cho DN. “Đơn cử như việc tái cấp thẻ APEC cho doanh nhân, chúng tôi phải mất hơn 4 tháng và đi đến 7-8 cơ quan để lấy xác minh, chữ ký” - ông Hàn chứng minh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân trao đổi cùng các doanh nghiệp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Mặt khác, việc ban hành các văn bản mới từ các ngành, các cấp là quá nhiều, trong khi DN không đủ thời gian để đọc, thậm chí có những văn bản từ “trên trời rơi xuống”, nếu DN không am hiểu chắc chắn sẽ bị vi phạm. 3 năm vừa qua, chúng tôi rất khổ sở vì vướng vào việc “khai sai” thuế thu nhập và phải nhờ đến tòa án xử, DN mới được minh oan.
Nhìn nhận ở góc độ rộng lớn hơn, ông Hàng Vay Chi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Hương cho rằng, năm 2015 sẽ là năm đầy thách thức. Việt Nam đang đứng trước các thời điểm hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế toàn cầu. Là một nhà sản xuất với thâm niên 35 năm, cá nhân ông Chi cảm thấy lo nhiều hơn vui, bởi lẽ thời điểm gia nhập cộng đồng với 600 triệu dân ASEAN đang đến rất gần nhưng nền công nghiệp sản xuất trong nước vẫn chưa có sự chuẩn bị chu đáo để bước vào giai đoạn cạnh tranh mới. Nếu không cẩn thận, Việt Nam với 90 triệu dân sẽ khó giữ vị thế sân nhà, trở thành là thị trường tiêu thụ sản phẩm của các nước trong khu vực.
Ngoài ra các DN cũng yêu cầu TP và các bộ ngành xem xét lại lãi suất cho vay dài hạn, tỷ lệ hỗ trợ lãi suất cho phù hợp với thực tế DN. Đối với các dự án đang hoặc chưa thực hiện thì kéo dài thời gian hỗ trợ cũng như tăng tổng mức vốn vay hỗ trợ lãi suất cho phù hợp nhu cầu DN; tiền thuê đất cao gấp 4 - 5 lần so với năm 2010 sẽ làm suy kiệt khả năng tái đầu tư của DN...
Sẽ giải quyết rốt ráo kiến nghị của DN
Trước những khó khăn, kiến nghị của DN, Chủ tịch UBNDTP Lê Hoàng Quân đã ghi nhận và trả lời từng phần việc cụ thể và yêu cầu các sở ngành chức năng xem xét lại. “Những cơ chế, chính sách nào bất cập trong phạm vi của TP thì cần phải bổ sung ngay, không thể chờ được nữa” - đồng chí Lê Hoàng Quân nhấn mạnh. Về kiến nghị TP xem xét tăng nguồn vốn theo chương trình kích cầu, các vướng mắc về thủ tục hoàn vốn VAT cho DN, Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế TP giải trình từng phần việc, đồng thời có văn bản gửi đến các DN nếu chưa được giải đáp tại hội nghị.
Phát biểu kết luận và chỉ đạo, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực vươn lên của DN từ khó khăn. Đồng chí Lê Thanh Hải cũng cho rằng, cuộc gặp gỡ này rất có ý nghĩa vì ngay trong ngày đầu xuân nhưng lãnh đạo TP đã nghe những phát biểu rất thẳng thắn, sát thực của DN, trong đó tựu trung về ý thức, trách nhiệm của một DN, một công dân trước những việc cần làm để đóng góp một cách tốt nhất sự phát triển chung của nền kinh tế, cho gia đình và xã hội.
Đại diện Công ty phần mềm FPT phát biểu tại cuộc gặp với lãnh đạo TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Năm 2015 và những năm tới có rất nhiều dự báo, nhưng điều chắc chắn là nền kinh tế sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Hội nhập là điều tất yếu, chúng ta không bàn cãi quá nhiều. Vấn đề đặt ra là các DN cần phải đứng vững ở sân nhà, chủ động hội nhập và vươn ra khu vực, thế giới. Để làm được việc này, TP sẽ cân đối lại, dành nhiều ngân sách chương trình kích cầu; hỗ trợ DN mạnh dạn đổi mới thiết bị, nhà xưởng. Trong 10 năm, tổng vốn dành cho chương trình mới chỉ đạt hơn 27.000 tỷ đồng là chưa xứng tầm. Dứt khoát trong tháng 3-2015, TP sẽ rà soát lại định mức cho vay ra sao, lãi suất thế nào để thúc đẩy DN đầu tư, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Cải cách thủ tục hành chính là vấn đề mấu chốt trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nhưng kết quả chưa như mong muốn.
Năm 2015, TP sẽ tập trung mạnh mẽ trong việc cải tiến các thủ tục hành chính, kết hợp với việc xây dựng đội ngũ công chức có trình độ, qua việc đưa công nghệ thông tin vào để người dân có thể giám sát. Công việc này sẽ không thực hiện chung chung mà sẽ chọn từng lĩnh vực để đột phá. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực phải triển khai quyết liệt để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của TP. Phải có nguồn nhân lực cung ứng cho DN. Ngay bây giờ TP hoàn toàn có điều kiện rà soát lại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để hình thành các khoa để đào tạo nguồn nhân lực cho DN. Nếu chờ vài năm sau mới tìm được đất triển khai thì quá muộn.
“Trong quá trình điều hành, nếu lấy sự hài lòng của DN và người dân để làm thước đo cũng còn hạn chế. Lãnh đạo TP đưa đến một thông điệp rất rõ ràng là sẽ có những biện pháp để quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN. Lãnh đạo TP xem khó khăn DN là khó khăn của chính mình. Lợi ích DN và chính quyền các cấp ví như 2 bàn tay, nếu có sự phối hợp tốt thì tiếng vỗ sẽ to hơn. TP xem sự phát triển của DN là sự phát triển của TP. Đồng hành với DN cũng có nghĩa là gặp gỡ thường xuyên, tháo gỡ từng vấn đề cho DN. Với nhận thức như vậy, lãnh đạo TP sẽ chung sức, chung lòng với DN để cùng xây dựng và phát triển xứng danh Thành phố Anh hùng!” - đồng chí Lê Thanh Hải kết luận.
Thúy Hải
Trích nguồn Sài Gòn Giải Phóng - 04/03/2015